Tin tức

Tin tức

​Tóm tắt kết quả hội thảo bên lề về phòng chống bệnh truyền nhiễm mới nổi

03/12/2014 In bài viết

Ngày 17/9/2014, tại Khách sạn Sheraton, Hà Nội, Bộ Y tế Việt Nam đã phối hợp với Ban thư ký ASEAN, Bộ Y tế các nước ASEAN và các tổ chức quốc tế, các cơ quan liên quan để tổ chức hội thảo về phòng chống các bệnh truyền nhiễm mới nổi.
 

 Đây là hội thảo bên lề thuộc khuôn khổ Hội nghị Bộ trưởng Y tế các nước ASEAN lần thứ 12 được tổ chức tại Việt Nam, từ ngày 15/9/2014 đến 19/9/2014.

Tham dự hội thảo có hơn 120 đại biểu, trong đó có các đại biểu quốc tế đến từ: Đại diện Cục phòng chống bệnh truyền nhiễm, Bộ Y tế các nước ASEAN, Nhật Bản, Trung Quốc; Ban thư ký ASEAN; WHO khu vực Tây Thái Bình Dương; Văn phòng đại diện các tổ chức quốc tế tại Việt Nam: WHO, US CDC, US AID, ADB, WB, PATH, UNICEF, FAO... Về phía Việt Nam có: đại biểu Văn phòng Chính phủ, Ban Tuyên giáo Trung ương, Lãnh đạo và chuyên viên Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công thương, Bộ Văn hóa Thể thao và du lịch, Bộ Quốc Phòng, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Công an…; Lãnh đạo UBND một số tỉnh/thành phố trực thuộc trung ương; Các cơ quan thông tấn báo chí trung ương. Cuộc hội thảo diễn ra dưới sự chủ trì của Thứ trưởng Bộ Y tế Việt Nam Nguyễn Thanh Long và đồng chủ trì bởi TS. Takeshi Kasai - Giám đốc Quản lý chương trình, Tổ chức Y tế thế giới khu vực Tây Thái Bình Dương, TS. Michelle McConnell - Giám đốc USCDC Việt Nam.

          Thông qua các bài trình bày, thảo luận trao đổi thông tin, kinh nghiệm giữa các quốc gia về phòng chống các bệnh truyền nhiễm mới nổi: cúm A(H7N9), bệnh do vi rút Ebola, MERS-CoV và vấn đề về tăng cường hợp tác liên ngành trong phòng chống dịch bệnh truyền nhiễm, hội thảo đã nhấn mạnh một số nội dung chính sau:

1. Dịch bệnh truyền nhiễm mới nổi đang là mối đe dọa cho sức khỏe cộng đồng

Khu vực Đông Nam Á vẫn đang tiếp tục đối mặt với nhiều thách thức do những mối đe dọa của các bệnh truyền nhiễm mới nổi như cúm A(H7N9), MERS-CoV và gần đây nhất là dịch bệnh do vi rút Ebola bùng phát tại Tây Phi, ngoài ra một số bệnh lưu hành địa phương cũng đang tiếp tục ghi nhận như Tay chân miệng, Sốt xuất huyết, Sởi, Sốt rét kháng thuốc.

2. Hoạt động phòng chống bệnh truyền nhiễm mới nổi đã triển khai

 Các nước ASEAN đã phối kết hợp và hợp tác chặt chẽ trong phòng chống dịch bệnh truyền nhiễm mới nổi, nhiều hoạt động và biện pháp phòng chống dịch bệnh đã được triển khai:

- Triển khai nhiều sáng kiến nhằm tăng cường hoạt động khư vực trong phòng chống bệnh truyền nhiễm mới nổi. Đã thành lập Nhóm công tác ASEAN về chuẩn bị và ứng phó đại dịch;

-  Thành lập diễn đàn các nước ASEAN về truyền thông và trao đổi thông tin;

-  Khung sáng kiến “Một sức khỏe” và các Kế hoạch hành động đã được xây dựng làm cơ sở thúc đẩy tăng cường phối kết hợp và hợp tác liên ngành giữa ngành y tế và các bộ/ngành liên quan khác trong chuẩn bị và ứng phó dịch bệnh truyền nhiễm mới nổi;

- Hệ thống y tế đã được tăng cường và phát triển tại từng quốc gia ASEAN, cung cấp dịch vụ giám sát và ứng phó dịch bệnh hiệu quả và kịp thời, dịch vụ xét nghiệm, kiểm soát nhiễm khuẩn, quản lý ca bệnh và truyền thông nguy cơ;

- Xây dựng Kế hoạch hành động đáp ứng và ứng phó dịch bệnh truyền nhiễm mới nổi dựa trên Khung chiến lược Châu Á Thái Bình Dương về phòng chống bệnh truyền nhiễm mới nổi (APSED) và phù hợp với Điều lệ Y tế quốc tế (2005);

- Trung tâm đáp ứng khẩn cấp (EOC) đã được thành lập và hoạt động tại một số quốc gia thành viên ASEAN trong đó có Việt Nam. Mục đích của EOC là kết nối các đơn vị, cơ quan, các nhóm công tác và nhân lực đáp ứng kịp thời và hiệu quả các hoạt động ứng phó dịch bệnh khẩn cấp.

- Chương trình An ninh Y tế toàn cầu được phát động như một sáng kiến toàn cầu nhằm tăng cường hợp tác quốc tế và tăng cường năng lực của các nước phát triển trong phát hiện, phòng chống và đáp ứng dịch bệnh. Chương trình An ninh Y tế toàn cầu là thỏa thuận giữa chính phủ Mỹ với chính phủ các quốc gia trong khu vực, các tổ chức quốc tế, các đối tác phát triển công và tư nhân với nỗ lực nhằm thúc đẩy tiến độ hướng tới một thế giới an toàn không bị đe dọa bởi các dịch bệnh truyền nhiễm và đề xuất an ninh y tế toàn cầu là một vấn đề an ninh quốc tế cần được ưu tiên.

3. Các hoạt động hợp tác trong thời gian tới

Tại hội thảo, các quốc gia thành viên ASEAN chia sẻ và đề nghị:

- Tiếp tục đoàn kết và hợp tác trong phòng chống dịch bệnh truyền nhiễm mới nổi.

- Tăng cường hơn nữa trao đổi thông tin và chia sẻ kinh nghiệm trong phòng chống bệnh truyền nhiễm, đặc biệt chú ý tới xây dựng các cơ chế phối hợp liên ngành hiệu quả trên cơ sở các sáng kiến, khung chiến lược và các hướng dẫn hiện có.

- Tiếp tục kêu gọi những cam kết chính trị và hỗ trợ từ Chính phủ, hỗ trợ kỹ thuật và tài chính từ các Tổ chức quốc tế và các đối tác phát triển khác.

Hội thảo bên lề đã đạt được các mục tiêu đề ra:

  - Chia sẻ thông tin, kinh nghiệm giữa các nước thành viên ASEAN, Trung Quốc, Nhật Bản về đáp ứng, phòng chống các bệnh truyền nhiễm mới nổi như: cúm A(H7N9), MERS-CoV, dịch bệnh do vi rút Ebola và sốt rét kháng thuốc;

- Đề xuất một số hoạt động, mô hình giám sát và đáp ứng các bệnh truyền nhiễm/bệnh truyền nhiễm mới nổi và tăng cường hợp tác liên ngành trong phòng chống các dịch bệnh này./.

 

Một số hình ảnh tại hội thảo:

TS. Takeshi Kasai - Giám đốc Quản lý các chương trình của Tổ chức Y tế thế giới Khu vực Tây Thái Bình Dương phát biểu tại hội thảo

TS. Takeshi Kasai - Giám đốc Quản lý các chương trình của Tổ chức Y tế thế giới Khu vực Tây Thái Bình Dương phát biểu tại hội thảo

 

TS. Michelle McConnell - Giám Đốc USCDC Việt Nam phát biểu

Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm

           

  Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế

Admin

Tin tức liên quan

Thông tin bệnh viêm đường hô hấp cấp do vi rút đường ruột D68 (EV-D68) tại bang Missouri và Illinois, Hoa Kỳ, năm 2014

Ngày 19/8/ 2014, Trung tâm kiểm soát bệnh tật Hoa Kỳ (USCDC) nhận được thông tin từ Bệnh viện Nhi thành phố Kansas, bang Missouri về số lượng bệnh nhân đến khám và nhập viện do viêm đường hô hấp tăng hơn so với cùng kỳ năm ngoái.

Xem chi tiết Next

Bộ trưởng Bộ Y tế có bài phát biểu quan trọng tại Liên Hợp Quốc

Được sự đồng ý của Thủ tướng Chính phủ, GS.TS. Nguyễn Thị Kim Tiến, Bộ trưởng Bộ Y tế đã tham dự và có bài phát biểu quan trọng tại Phiên họp đặc biệt của Đại hội đồng LHQ về Dân số và Phát triển(ICPD) tại New-York, ngày 22 tháng 9, 2014 với sự tham dự của 193 quốc gia.

Xem chi tiết Next

Việt Nam cam kết đóng góp tích cực vào các hoạt động đảm bảo an ninh y tế toàn cầu

Trong bối cảnh các dịch bệnh mới nổi liên tục xảy ra trên thế giới và ảnh hưởng lớn tới sức khỏe, cuộc sống người dân của các quốc gia trên phạm vi toàn cầu như dịch SARS, cúm A(H5N1), gần đây nhất là đại dịch cúm A(H1N1), dịch MERS-CoV tại khu vực Trung Đông và dịch Ebola tại các nước khu vực Tây Phi cho thấy việc giải quyết các vấn đề dịch bệnh cần phải có sự phối hợp của các quốc gia, châu lục chứ không phải là việc riêng của một quốc gia.

Xem chi tiết Next
Thong ke