Tin tức

Tin tức

​Bộ Y tế đề xuất giảm thời gian cách ly y tế

07/03/2022 In bài viết

Tình hình dịch COVID-19

Đến ngày 04/3/2022, Thế giới ghi nhận trên 442,7 triệu ca mắc COVID-19, trên 6 triệu trường hợp tử vong, riêng trong tháng qua có trên 52 triệu ca mắc mới, trong đó trên 200.000 trường hợp tử vong. Các quốc gia ghi nhận số nhiễm, tử vong cao trong tháng: Mỹ (hơn 3,7 triệu ca nhiễm, 60.900 ca tử vong), Brazil (hơn 2,9 triệu ca nhiễm, 20.645 ca tử vong) và Ấn Độ (trên 1 triệu ca nhiễm, trên 14.620 ca tử vong).

Từ ca nhiễm đầu tiên đến nay, cả nước đã ghi nhận 4.059.262 ca mắc, 2.589.436 người đã khỏi bệnh (63,8%), 40.609 ca tử vong. So với tháng trước, số ca cộng đồng cả nước tăng 197,9%, số ca tử vong giảm 47,1%, số ca đang điều trị tại bệnh viện giảm 24,5%, số ca nặng, nguy kịch giảm 43,1%. Tỷ lệ chết/mắc của 30 ngày qua là 0,2%, giảm so với tháng trước (1%).

Phân bố tỷ lệ nhiễm theo độ tuổi trong tháng 02/2022 so với tháng trước: nhóm 18-49 tuổi chiếm 54,3% (871.083 ca) tăng 2,5 lần so tháng trước; nhóm 50-65 tuổi chiếm 10,8% (173.254 ca) tăng 2,2 lần so với tháng trước; nhóm trên 65 tuổi chiếm 4,5% (72.189 ca) tăng 2 lần so với tháng trước.

Đến nay dịch bệnh cơ bản đang được kiểm soát trên phạm vi cả nước. Tất cả các địa phương đều đã chuyển sang trạng thái “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19” theo Nghị quyết 128/NQ-CP của Chính phủ. Tuy vậy, số mắc mới có xu hướng gia tăng nhanh tại hầu hết các tỉnh, thành phố trong tháng qua (với khoảng 50.000-75.000 ca mỗi ngày, ngày cao nhất là hơn 125.000 ca), số trường hợp mắc tăng nhiều hơn ở nhóm chưa tiêm vắc xin, nhất là nhóm dưới 12 tuổi (tháng 01 là 18,4% và tháng 02 là 24,3%); số trường hợp nặng, nguy kịch bắt đầu có sự gia tăng 37,6% so với tháng trước, số trường hợp tử vong trên dưới 100 ca mỗi ngày, hiện vẫn trong khả năng đáp ứng của hệ thống y tế.

Biến thể Omicron có xu hướng gia tăng lây nhiễm nhanh trong thời gian gần đây phổ biến ở các tỉnh, thành phố, nhất là TP. Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh thay thế dần biến thể Delta, theo báo cáo của TP. Hà Nội biến thể Omicron đã ghi nhận ở 20/30 quận, huyện; biến thể BA.2 chiếm tới 87% tổng số các mẫu phát hiện biến thể Omicron (biến thể phụ BA.2 có khả năng lây lan nhanh hơn 1,5 lần biến thể gốc BA.1 và có khả năng tránh tác động miễn dịch của các loại vắc xin hiện tại hơn biến thể gốc BA.1 khoảng 30%); tại TP. Hồ Chí Minh biến thể Omicron chiếm tới 76% số mẫu có kết quả giải trình tự gen. Tuy nhiên do tỷ lệ bao phủ vắc xin cao trên phạm vi toàn quốc, đặc biệt là đã có sự chăm sóc đối tượng nguy cơ cao nên tỷ lệ chết/mắc trên phạm vi toàn quốc giảm sâu (ngày 1/2 là 0,9% và ngày 03/3 là 0,1%).

Kể từ khi triển khai thí điểm mở lại các đường bay quốc tế ngày 01/01/2022 đến hết ngày 14/02/2022, cả nước ghi nhận hơn 800.000 ca mắc, trong đó hơn 500.000 ca cộng đồng. Trong thời gian tới, với nhu cầu đi lại và mùa lễ hội năm 2022, mở cửa trở lại hoạt động giáo dục đào tạo trực tiếp, nhất là thời gian tới Việt Nam nới nỏng cách ly y tế, giảm các hạn chế đối với hoạt động vận chuyển hành khách trên tất cả các phương tiện, lượng khách quốc tế đi, đến Việt Nam sẽ gia tăng mạnh sẽ không tránh khỏi gia tăng nguy cơ lây nhiễm, nguy cơ tiếp tục gia tăng áp lực lên hệ thống y tế.

Tại Phiên họp lần thứ 13 của Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, Bộ Y tế  đề xuất một số phương án điều chỉnh về cách ly y tế và biện pháp phòng tránh lây nhiễm để tạo điều kiện thuận lợi bảo đảm thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội. Bộ Y tế đề xuất giảm thời gian cách ly y tế nhưng tăng cường khuyến cáo thực hiện biện pháp 5K để hạn chế nguy cơ lây nhiễm do rút ngắn thời gian cách ly y tế:

a) Đối với người nhập cảnh:

 (i) Có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 bằng phương pháp RTPCR/RT-LAMP trong vòng 72 giờ hoặc xét nghiệm nhanh kháng nguyên trong vòng 24 giờ (trừ trường hợp trẻ em dưới 2 tuổi) trước khi xuất cảnh về Việt Nam.

(ii) Trong vòng 24 giờ đầu (kể từ khi nhập cảnh), người nhập cảnh thực hiện xét nghiệm SARS-CoV-2 (trừ trẻ em dưới 2 tuổi):

Trường hợp kết quả xét nghiệm âm tính thì được rời khỏi nơi lưu trú nhưng phải thực hiện nghiêm khuyến cáo 5K và các biện pháp phòng chống dịch khác của địa phương. Nếu kết quả xét nghiệm dương tính thì phải báo cáo ngay cho cơ quan y tế địa phương để được hướng dẫn xử lý kịp thời theo quy định.

- Trẻ dưới 2 tuổi không bắt buộc phải xét nghiệm SARS-CoV-2, chưa được tiêm hoặc chưa từng bị nhiễm SARS-CoV-2 đều được tham gia các hoạt động ở ngoài nơi lưu trú cùng bố, mẹ, người thân.

b) Thời gian cách ly trường hợp F1[1]:

(i) Những người đã tiêm đủ ít nhất 02 liều vắc xin phòng COVID-19 theo quy định, liều cuối cùng tiêm trong thời gian ít nhất 14 ngày:

- Thực hiện tự theo dõi sức khoẻ 10 ngày kể từ ngày phơi nhiễm cuối cùng.

- Nghiêm túc thực hiện Thông điệp 5K, không tiếp xúc gần với những người thuộc nhóm nguy cơ cao (người có bệnh nền, người trên 50 tuổi, phụ nữ có thai).

- Thực hiện việc xét nghiệm vi rút SARS-CoV-2 bằng phương pháp Realtime RT-PCR hoặc kháng nguyên (xét nghiệm nhanh kháng nguyên hoặc bằng máy miễn dịch) vào ngày thứ 5.

(ii) Người đã khỏi bệnh COVID-19 trong vòng 03 tháng tính đến thời điểm được xác định là đối tượng F1:

- Thực hiện tự theo dõi sức khoẻ 10 ngày kể từ ngày phơi nhiễm cuối cùng.

- Nghiêm túc thực hiện Thông điệp 5K, không tiếp xúc gần với những người thuộc nhóm nguy cơ cao (người có bệnh nền, người trên 50 tuổi, phụ nữ có thai). (iii) Những người chưa tiêm đủ liều vắc xin phòng COVID-19 theo quy định:

- Thực hiện cách ly 05 ngày tại nhà, nơi lưu trú hoặc các khu vực đủ điều kiện cách ly khác do cơ quan, tổ chức, đơn vị địa phương, trường học bố trí, thiết lập kể từ ngày phơi nhiễm cuối cùng.

- Nghiêm túc thực hiện Thông điệp 5K, không tiếp xúc gần với những người thuộc nhóm nguy cơ cao (người có bệnh nền, người trên 50 tuổi, phụ nữ có thai).

- Thực hiện xét nghiệm vi rút SARS-CoV-2 vào ngày cách ly thứ 5. Nếu kết quả âm tính thì tiếp tục tự theo dõi sức khoẻ trong 05 ngày tiếp theo.

c) Đề xuất đi làm cho trường hợp F0, F1 đang trong thời gian cách ly

(i) Người nhiễm SARS-CoV-2 (F0) không có triệu chứng đang trong thời gian cách ly (07 ngày kể từ ngày xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2 và chưa có kết quả xét nghiệm SARS-CoV-2 âm tính), tự nguyện tham gia làm việc[2]:

- Các đơn vị, địa phương có thể xem xét bố trí thực hiện các công việc trực tuyến, không tiếp xúc trực tiếp với người xung quanh; hoặc được phép tham gia hỗ trợ chăm sóc, theo dõi, điều trị người nhiễm SARS-CoV-2 trong gia đình, cơ sở lưu trú hoặc tại các cơ sở điều trị bệnh COVID-19 phù hợp với nhiệm vụ được giao, trình độ chuyên môn nghiệp vụ và thực hiện nghiêm Thông điệp 5K.

- Đối với những người được bố trí thực hiện các công việc tại các cơ sở điều trị bệnh COVID-19 phải thực hiện nghiêm các biện pháp phòng hộ theo quy định, thường xuyên theo dõi sức khỏe, xét nghiệm SARS-CoV-2; không được chăm sóc hoặc tiếp xúc với những người bệnh bị suy giảm miễn dịch hoặc có nguy cơ cao (người có bệnh nền, phụ nữ mang thai, người trên 50 tuổi).

- Được phép di chuyển bằng phương tiện cá nhân đi thẳng từ nơi cách ly đến khu vực làm việc được bố trí sẵn và ngược lại. Trong quá trình di chuyển không được tiếp xúc với người xung quanh; thực hiện nghiêm Thông điệp 5K, đặc biệt là đeo khẩu trang, giữ khoảng cách, không tiếp xúc gần với người xung quanh trong quá trình làm việc và thực hiện các biện pháp khử khuẩn, phòng ngừa lây nhiễm.

(ii) Những người có tiếp xúc gần với trường hợp nhiễm SARS-CoV-2 (F1) nhưng chưa tiêm đủ liều vắc xin phòng COVID-19 hoặc chưa tiêm vắc xin phòng COVID-19 tham gia làm việc cần đảm bảo các yêu cầu sau:

- Được phép tham gia các công việc cấp bách của đơn vị, địa phương mình thông qua các hình thức làm việc trực tuyến hoặc trực tiếp. Trong trường hợp làm việc trực tiếp, cơ sở làm việc phải bố trí, thiết lập khu vực làm việc dành riêng cho các trường hợp là F1, đảm bảo khoảng cách làm việc, không tập trung đông người và thoáng khí để giảm nguy cơ lây nhiễm.

- Được phép di chuyển bằng phương tiện cá nhân đi thẳng từ nơi cách ly đến khu vực làm việc được bố trí sẵn và ngược lại. Trong quá trình di chuyển không được tiếp xúc với người xung quanh; thực hiện nghiêm Thông điệp 5K, đặc biệt là đeo khẩu trang, giữ khoảng cách, không tiếp xúc gần với người xung quanh trong quá trình làm việc và thực hiện các biện pháp khử khuẩn, phòng ngừa lây nhiễm.

- Thực hiện xét nghiệm vi rút SARS-CoV-2 bằng phương pháp PCR hoặc phát hiện kháng nguyên (xét nghiệm nhanh kháng nguyên hoặc bằng máy miễn dịch) vào ngày thứ 5 kể từ ngày phơi nhiễm cuối cùng hoặc ngay khi có dấu hiệu bất thường về sức khỏe nêu trên để phát hiện sớm và triển khai các biện pháp xử lý y tế đối với trường hợp mắc COVID-19 theo quy định.


[1] Khuyến cáo USCDC về F1 chưa tiêm chủng đầy đủ ở nhà ít nhất 5 ngày, Malaysia yêu cầu thời gian cách ly 5 ngày (đã tiêm vắc xin đủ mũi), cách ly 7 ngày (chưa tiêm vắc xin đủ mũi).

[2] WHO khuyến cáo việc cách ly có thể được rút ngắn xuống còn 7 ngày đối với một nhân viên y tế tiếp xúc không có triệu chứng và xét nghiệm âm tính vào ngày thứ 7 hoặc 10 ngày sau khi phơi nhiễm mà không cần xét nghiệm. Ngoài ra, khi hệ thống y tế đang phải chịu áp lực rất lớn vì lượng bệnh nhân quá cao và khi nhiều nhân viên y tế nghỉ việc do phơi nhiễm hoặc nhiễm trùng, thì những nhân viên y tế đã từng bị phơi nhiễm nguy cơ cao nhưng đã được tiêm nhắc lại hoặc đã khỏi bệnh

Admin

Thong ke