Tin tức

Tin tức

​Tình hình công tác phòng, chống dịch COVID-19 tháng 10/2022

01/11/2022 In bài viết

Tình hình dịch bệnh

Trên thế giới

Đến 30/10/2022 đã ghi nhận hơn 635,3 triệu ca mắc, trên 6,59 triệu trường hợp tử vong. Trong 07 ngày vừa qua, có 16 nước, vùng lãnh thổ ghi nhận số ca tử vong cao (trên 100 ca)[1]. Trên thế giới, biến thể phụ BA.4, BA.5 của chủng Omicron có khả năng lây lan nhanh hơn các biến thể trước[2] đã ghi nhận tại nhiều quốc gia. Các biến thể mới liên tục xuất hiện hoặc tiến hóa (BA.2.74, BA.2.75, BA.2.76, BA.2.12.1, XBB, BQ.1...) có khả năng làm giảm hiệu quả của vắc xin cũng như né tránh miễn dịch, dẫn đến nguy cơ dịch bùng phát trở lại, mới nhất là 02 biến thể phụ mới của Omicron, gồm:

(1) XBB[3] hình thành từ sự tái tổ hợp của các dòng con BA.2.10.1, BA.2.75 và đã xuất hiện tại 35 quốc gia.

(2) BQ.1 là một dòng con của BA.5 và đã xuất hiện tại 65 quốc gia.

Đại dịch COVID-19 được dự báo vẫn diễn biến phức tạp, khó lường. Tháng 7/2022, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đánh giá thế giới vẫn đang trong giai đoạn đại dịch và cảnh báo về những biến thể mới của vi rút SARS-CoV-2 có thể làm cho dịch COVID-19 trở nên phức tạp, nguy cơ gia tăng trở lại đồng thời khuyến cáo việc duy trì các biện pháp ứng phó, nhất là tiêm chủng vắc xin[4]. Mặc dù, tình hình dịch hiện tại đã có dấu hiệu khả quan như WHO nhận định tình hình dịch chưa bao giờ tốt hơn hiện nay kể từ tháng 3/2020, tuy nhiên WHO vẫn khuyến cáo các quốc gia cần nắm bắt cơ hội, tiếp tục nỗ lực, duy trì các biện pháp phòng, chống dịch[5] , nhất là việc đảm bảo mục tiêu trong tiêm chủng vắc xin để đạt được mục tiêu kiểm soát dịch bệnh[6] .

Việt Nam

 Đến nay, cả nước đã ghi nhận trên 11,5 triệu ca mắc, hơn 10,6 triệu người khỏi bệnh (92,2%) và hơn 43.000 ca tử vong (0,38%). Trong 30 ngày qua cả nước ghi nhận 24.283 ca mắc mới, giảm 64,8% so với 30 ngày trước; 15 ca tử vong (giảm 16 ca).

Trong nước cũng đã ghi nhận trường hợp nhiễm biến thể phụ BA.4, BA.5, BA.2.74 trong cộng đồng, mới nhất là biến thể phủ BA.2.75 được Bệnh viện Bạch Mai ghi nhận sơ bộ bước đầu có 24/93 mẫu nhiễm biến thể này. Tháng 7 năm 2022, bộ 03 biến thể phụ (BA.2.74, BA.2.75 và BA2.76) xuất hiện tại Ấn Độ. WHO tiếp tục khuyến cáo các vắc xin được cấp phép lưu hành hiện nay vẫn có giá trị bảo vệ cao, làm giảm nguy cơ chuyển nặng đối với tất cả các biến thể vi rút SARS-CoV-2[7]. Do đó, các quốc gia cần duy trì các biện pháp ứng phó như tiêm vắc xin tăng cường, nhắc lại cho những nhóm có nguy cơ mắc bệnh, bảo vệ bệnh trở nặng.

Công tác tiêm phòng COVID-19

Về tình hình tiếp nhận và phân bổ vắc xin phòng COVID-19

Đến ngày 31/10/2022, tổng số vắc xin phòng COVID-19 đã tiếp nhận là 259.074.774 liều, trong đó: Vắc xin cho người từ 12 tuổi trở lên là 238.837.874 liều; Vắc xin cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi là 20.236.900 liều.

- Bộ Y tế đã phân bổ 177 đợt vắc xin phòng COVID-19 với tổng số 256.782.474 liều

Tiến độ tiêm chủng

- Tính đến hết ngày 30/10/2022, Việt Nam đã triển khai tiêm được 261.881.170 liều vắc xin phòng COVID-19:

+ Tỷ lệ tiêm mũi 1, mũi 2 cho người từ 12 tuổi trở lên đạt xấp xỉ 100%; + Tỷ lệ tiêm mũi 3, mũi 4 cho người từ 18 tuổi trở lên đạt 78,8% và 82,3%; + Tỷ lệ tiêm mũi 3 người từ 12 đến dưới 18 tuổi là 63,1%;

+ Tỷ lệ tiêm mũi 1, mũi 2 cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi đạt 88,9% và 62,1%. Trong tháng 10/2022, cả nước tiêm được 1,8 triệu liều vắc xin, trung bình mỗi ngày tiêm được 60.000 liều, giảm so với trung bình tháng 9/2022 (100.000 liều/ngày), tháng 8/2022 (350.000 liều/ngày) và tháng 7/2022 (430.000 liều/ngày).

- Kết quả tiêm cho các đối tượng cụ thể như sau: a) Tiêm mũi 3 cho người từ 18 tuổi trở lên

 Đã có 51.203.915 người từ 18 tuổi trở lên được tiêm mũi 3, tỷ lệ đạt 78,8%. Theo tỉnh, thành phố có: + 32/63 tỉnh, thành phố có tỷ lệ trên 80%

+ 28/63 tỉnh, thành phố có tỷ lệ từ 60% đến dưới 80%.

+ 3/63 tỉnh, thành phố có tỷ lệ dưới 60% 5 tỉnh có tỷ lệ cao nhất: Nghệ An, Bắc Giang, Sóc Trăng, Thanh Hóa, Quảng Ninh. Các tỉnh có tỷ lệ thấp (dưới 60%): Đồng Nai, Bình Định, Đồng Tháp.

b) Tiêm mũi 4: Đến nay đã có 16.251.659 người được tiêm mũi 4, tỷ lệ đạt 82,3%. Theo tỉnh, thành phố có:

+ 33/63 tỉnh, thành phố có tỷ lệ trên 90%,.

+ 22/63 tỉnh, thành phố có tỷ lệ từ 70% đến dưới 90%.

+ 8/63 tỉnh, thành phố có tỷ lệ dưới 70%

5 tỉnh có tỷ lệ cao nhất: Quảng Bình, Kiên Giang, Vĩnh Long, Trà Vinh, Quảng Ngãi.

Các tỉnh có tỷ lệ thấp (dưới 60%): An Giang, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng.

c) Tiêm mũi 3 cho trẻ từ 12 đến dưới 18 tuổi: Đã tiêm được 5.403.037 liều mũi 3 cho nhóm tuổi này, tỷ lệ đạt 63,1%. Theo tỉnh, thành phố có:

+ 28/63 tỉnh, thành phố có tỷ lệ trên 70%

+ 23/63 tỉnh, thành phố có tỷ lệ từ 50% đến dưới 70%

+ 12/63 tỉnh, thành phố có tỷ lệ dưới 50% 5 tỉnh có tỷ lệ cao nhất: Sóc Trăng, Bắc Giang, Lâm Đồng, Kon Tum, Điện Biên.

Các tỉnh có tỷ lệ thấp (dưới 40%): Phú Yên, TP. Hồ Chí Minh, Quảng Ngãi, Đà Nẵng.

d) Tiêm cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi: đã tiêm được 16.772.057 liều, tỷ lệ tiêm mũi 1, mũi 2 đạt 88,9% và 62,1%.

Mũi 1:

+ 40/63 tỉnh, thành phố có tỷ lệ trên 90%

+ 15/63 tỉnh, thành phố có tỷ lệ từ 80% đến dưới 90%

+ 8/63 tỉnh, thành phố có tỷ lệ dưới 80% 5 tỉnh có tỷ lệ cao nhất: Hải Phòng, Ninh Thuận, Sóc Trăng, Cần Thơ, Lâm Đồng. Các tỉnh có tỷ lệ thấp (dưới 70%): TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng.

Mũi 2:

+ 27/63 tỉnh, thành phố có tỷ lệ trên 70%

+ 27/63 tỉnh, thành phố có tỷ lệ từ 50-70%

+ 9/63 tỉnh, thành phố có tỷ lệ dưới 50% 5 tỉnh có tỷ lệ cao nhất: Sóc Trăng, Bắc Giang, Cà Mau, Bắc Ninh, Cần Thơ.

Các tỉnh có tỷ lệ thấp (dưới 40%): Đà Nẵng, Quảng Nam, TP. Hồ Chí Minh.

Nhận định, dự báo: Tình hình dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp, chưa ổn định và khó dự đoán. Miễn dịch đáp ứng do mắc bệnh hoặc tiêm chủng giảm dần theo thời gian. Đồng thời, vi rút liên tục biến đổi với các biến chủng mới, biến chủng phụ tiềm ẩn khả năng lây lan nhanh, tránh được miễn dịch, giảm hiệu quả điều trị, không loại trừ nguy cơ tăng nặng, tử vong trở lại. Tại cuộc họp gần nhất lần thứ 13 (ngày 13/10/2022), Ủy ban Khẩn cấp đánh giá“Thế giới vẫn trong tình trạng đại dịch COVID-19 và các nước vẫn phải tiếp tục tăng cường hệ thống giám sát và mở rộng năng lực điều trị, vắc xin cho các đối tượng nguy cơ cao; đồng thời tiếp tục cập nhật kế hoạch chuẩn bị và ứng phó quốc gia với đại dịch COVID-19”.

Trong thời gian tới tập trung triển khai các hoạt động sau:

1. Tiếp tục theo dõi chặt chẽ tình hình dịch, nhất là sự xuất hiện của các biến thể mới của COVID-19, thường xuyên đánh giá, phân tích tình hình và các yếu tố nguy cơ; chủ động xây dựng các kịch bản, phương án ứng phó và triển khai đáp ứng với mọi tình huống có thể xảy ra của dịch; kịp thời cập nhật, bổ sung các hướng dẫn chuyên môn và hỗ trợ địa phương trong phòng chống dịch COVID-19.

2. Tiếp tục tăng cường chỉ đạo đẩy nhanh hơn nữa tiến độ tiêm vắc xin phòng COVID-19 bảo đảm an toàn, khoa học, hiệu quả;

3. Tiếp tục phối hợp tăng cường công tác thông tin, truyền thông về phòng, chống dịch bệnh; tuyên truyền nâng cao kiến thức người dân hướng đến thay đổi hành vi cá nhân có lợi cho sức khỏe để phòng, chống dịch bệnh, đặc biệt tiếp tục đẩy mạnh thông tin về tác dụng, hiệu quả của vắc xin trong ngăn ngừa bệnh nặng, tử vong, khuyến khích, vận động người dân tham gia tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch; tổ chức triển khai hiệu quả chiến dịch truyền thông phòng, chống dịch COVID-19 trong tình hình mới “Vì một Việt Nam vững vàng, khỏe mạnh” với thông điệp “Thực hiện - 2K (khẩu trang, khử khuẩn) + vắc-xin + thuốc + điều trị + công nghệ + ý thức người dân và các biện pháp khác”.

4. Phối hợp với các tổ chức, chuyên gia trong nước, quốc tế theo dõi, cập nhật tình hình dịch, nhất là với các biến thể mới; kịp thời đề xuất các hoạt động phòng, chống dịch phù hợp và huy động hỗ trợ, viện trợ của các tổ chức quốc tế.


[1] Mỹ (1.460 ca), Đức (1.062), Vương Quốc Anh (709), Nga (580), Ý (559), Brazil (478), Pháp (462), Đài Loan (438), Nhật Bản (364), Canada (312), Philippines (253), Tây Ban Nha (189), Hàn Quốc (157), Indonesia (155), Hungary (140), Chile (117)…..

[2] https://www.ecdc.europa.eu/en/news-events/epidemiological-update-sars-cov-2-omicron-sub-lineages-ba4-and-ba5

[3] https://www.who.int/news/item/27-10-2022-tag-ve-statement-on-omicron-sublineages-bq.1-and-xbb

[4] https://www.who.int/director-general/speeches/detail/who-director-general-s-opening-remarks-at-the-covid-19- media-briefing--12-july-2022

[5] WHO khuyến cáo quốc gia cần tiếp tục ngay các giải pháp chính: (1) 100% nhóm đối tượng có nguy cơ cao nhất được tiêm chủng vắc xin, bao gồm cán bộ y tế, người cao tuổi; đây là ưu tiên cao nhất trong lộ trình đạt bao phủ 70%; (2) Thực hiện xét nghiệm, giải trình tự gen SARS-CoV-2; tích hợp giám sát và xét nghiệm với các bệnh truyền nhiễm qua đường hô hấp khác, bao gồm cả cúm; (3) Đảm bảo hệ thống thu dung, điều trị bệnh nhân bao gồm cả phương án chăm sóc, điều trị bệnh nhân tại cơ sở; (4) Đảm bảo đủ vật tư, trang thiết bị, nhân lực y tế, chuẩn bị sẵn sàng trong trường hợp ca bệnh gia tăng đột biến; (5) Duy trì các biện pháp phòng ngừa, kiểm soát nhiễm khuẩn trong các cơ sở y tế; (6) Truyền thông rõ ràng, minh bạch về các thay đổi trong chủ trương, quan điểm, chính sách, giải pháp phòng, chống dịch và tăng cường hệ thống thông tin y tế chất lượng cao tổ chức tập huấn việc xử lý các thông tin sai lệch.

[6] https://www.who.int/director-general/speeches/detail/who-director-general-s-opening-remarks-at-the-mediabriefing--14-september-2022

[7] https://www.who.int/news/item/17-06-2022-interim-statement-on--the-composition-of-current-COVID-19-vaccines

Ban biên tập trang thông tin điện tử Cục Y tế dự phòng

Thong ke