​Một số ảnh hưởng của COVID-19 đến công tác tiêm chủng mở rộng

16/11/2022 In bài viết

Chương trình Tiêm chủng mở rộng (TCMR) do Nhà nước chi trả toàn bộ được triển khai trên toàn quốc từ năm 1985 nhằm cung cấp dịch vụ tiêm chủng miễn phí cho trẻ em dưới 1 tuổi. Số loại vắc xin tăng dần theo thời gian, từ 6 vắc xin thiết yếu năm 1985 tới nay đã có 10 loại bệnh truyền nhiễm phổ biến, nguy hiểm được sử dụng vắc xin miễn phí cho trẻ em và phụ nữ có thai được triển khai trong TCMR trên toàn quốc bao gồm vắc xin phòng bệnh lao, bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B, viêm phổi/viêm màng não mủ do vi khuẩn Hib, bại liệt, sởi, rubella và viêm não Nhật Bản với khoảng 35 triệu liều vắc xin mỗi năm. Ngoài ra, tùy thuộc tình hình tiêm chủng và bệnh truyền nhiễm, các chiến dịch và kế hoạch tiêm chủng bổ sung cho các nhóm đối tượng nguy cơ đã được triển khai như chiến dịch tiêm vắc xin Sởi–Rubella, viêm não Nhật Bản, uống vắc xin bại liệt (bOPV), tiêm vắc xin bại liệt (IPV).

Qua hơn 30 năm triển khai, thành công của Chương trình tiêm chủng mở rộng đã mang lại những thành tựu to lớn, góp phần làm thay đổi cơ cấu bệnh tật tại Việt Nam. Bệnh Bại liệt đã được thanh toán vào năm 2000; bệnh uốn ván sơ sinh được loại trừ năm 2005, số mắc và tử vong do các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm phổ biến khác như sởi, bạch hầu, ho gà giảm từ vài chục đến vài trăm lần. Việt Nam đã sản xuất được hầu hết các loại vắc xin sử dụng trong Chương trình tiêm chủng mở rộng (8/10 loại). Vắc xin được đặt hàng hàng năm từ nguồn NSNN đã góp phần quan trọng để chủ động nguồn cung ứng vắc xin là lợi thế của Việt Nam so với nhiều quốc gia khác, đảm bảo duy trì hoạt động tiêm chủng và đạt các chỉ tiêu quan trọng. Với việc duy trì tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ các mũi vắc xin trong tiêm chủng mở rộngcho trẻ dưới 1 tuổi đạt trên 95%, Việt Nam đang tiến tới mục tiêu giảm tỷ lệ mắc viêm gan B ở trẻ dưới 5 tuổi xuống 1% và loại trừ bệnh sởi, rubella vào thời gian tới.

Từ năm 2015 – 2020 tỷ lệ tiêm chủng duy trì mức cao liên tục đã góp phần quan trọng làm giảm rõ rệt số mắc và chết của các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm ở trẻ em Việt Nam.

Đại dịch COVID-19 bùng phát đã ảnh hưởng rất lớn đến công tác tiêm chủng trên toàn quốc; phải duy trì công tác tiêm chủng mở rộng trong bối cảnh dịch COVID-19, có thời điểm nhiều địa phương phải tạm dừng công tác tiêm chủng thường xuyên do giãn cách xã hội, nhiều hoạt động tiêm chủng bổ sung đã không thể triển khai theo kế hoạch, nhân lực y tế nhân lực tiêm chủng phải ưu tiên cho hoạt động chống dịch và triển khai chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19

Chương trình tiêm chủng mở rộng ở nước ta đã đạt được những thành tựu quan trọng, góp phần to lớn trong việc giảm tỷ lệ mắc và tử vong một số bệnh truyền nhiễm nguy hiểm ở trẻ em. Tuy nhiên, công tác tiêm chủng mở rộng còn một số khó khăn như sau:

- Nhân lực làm công tác tiêm chủng mở rộng cơ sở kiêm nhiệm nhiều hoạt động, thay đổi nhiều và thiếu, chưa được tập huấn hoặc chưa tập huấn lại; chưa có cơ chế, chính sách đãi ngộ. Nhân viên Y tế thôn bản, cộng tác viên y tế dân số tại nhiều địa phương bị cắt giảm, mức hỗ trợ thấp.

- Tỷ lệ tiêm chủng các vắc xin trên toàn quốc có xu hướng giảm trong 2 năm gần đây cần sớm có các giải pháp can thiệp để khôi phục công tác TCMR và chủ động phòng chống dịch bệnh. Việc cung ứng và tiếp cận dịch vụ tiêm chủng tại các vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, giáp ranh, vùng có tỷ lệ di biến động dân cư cao (khu công nghiệp, khu chung cư cao tầng, khu nhà trọ, làng chài...), nhóm đồng bào dân tộc thiểu số gặp nhiều khó khăn.

- Việc cung ứng vắc xin trong tiêm chủng mở rộng đôi khi không kịp thời, ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện và tỷ lệ bao phủ miễn dịch trong cộng đồng.

Ngày 15/8/2022, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 104/NQ-CP về Lộ trình tăng số lượng vắc xin trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng giai đoạn 2021 – 2030. Theo Lộ trình này, vắc xin phòng bệnh do vi rút Rota sẽ được đưa vào Chương trình tiêm chủng mở rộng ngay trong năm 2022. Còn lại, 3 loại vắc xin phòng bệnh do phế cầu, ung thư cổ tử cung, cúm mùa dự kiến sẽ được đưa vào Chương trình tương ứng lần lượt từ năm 2025, năm 2026 và năm 2030.

Bộ Y tế đang hoàn thiện Đề án Tăng cường công tác tiêm chủng và tăng số lượng vắc xin trong tiêm chủng mở rộng giai đoạn 2022 – 2030, trong đó bổ sung các vắc xin vào tiêm chủng mở rộng theo Nghị quyết số 104/NQ-CP ngày 15/8/2022 của Chính phủ.

Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 11.509.975 ca nhiễm, đứng thứ 13/230 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 117/230 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 116.317 ca nhiễm). Tổng số ca tử vong xếp thứ 26/230 vùng lãnh thổ, số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 139/230 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. So với châu Á, tổng số ca tử vong xếp thứ 7/49 (xếp thứ 3 ASEAN), tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 21/49 quốc gia, vùng lãnh thổ châu Á (xếp thứ 3 ASEAN).

Đến nay Việt Nam đã thực hiện tiêm được 262.802.841 liều vắc xin COVID-19, trong đó: Số liều tiêm cho người từ 18 tuổi trở lên là 222.291.439 liều: Mũi 1 là 71.075.794 liều; Mũi 2 là 68.674.799 liều; Mũi bổ sung là 14.499.607 liều; Mũi nhắc lại lần 1 là 51.373.335 liều; Mũi nhắc lại lần 2 là 16.667.904 liều. Số liều tiêm cho trẻ từ 12-17 tuổi là 23.597.100 liều: Mũi 1 là 9.120.534 liều; Mũi 2 là 8.920.363 liều; Mũi nhắc lại lần 1 là 5.556.203 liều. Số liều tiêm cho trẻ từ 5-11 tuổi là 16.914.302 liều: Mũi 1 là 9.918.969 liều; Mũi 2 là 6.995.333 liều.

 

Ban biên tập trang thông tin điện tử Cục Y tế dự phòng

Thong ke