​Một số bài học kinh nghiệm trong phòng chống COVID-19

11/11/2022 In bài viết

Đại dịch COVID-19 ghi nhận ca bệnh đầu tiên ngày 29/12/2019 tại Vũ Hán (Trung Quốc), đến ngày 06/11/2022 thế giới ghi nhận trên 637,6 triệu ca mắc COVID-19, trên 6,6 triệu trường hợp tử vong.

Trên thế giới, dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp, khó lường và đã bùng phát trở lại tại một số quốc gia với các biến thể mới của Omicron liên tục xuất hiện hoặc tiến hóa (BA.2.74, BA.2.75, BA.2.76, BA.2.12.1, XBB, BQ.1...) tại hầu hết các nước trên thế giới, mới nhất là 02 biến thể phụ mới của Omicron, gồm XBB hình thành từ sự tái tổ hợp của BA.2.10.1, BA.2.75 và BQ.1 là một biến thể của BA.5. Các biến thể này có đặc tính lây làn nhanh hơn biến thể gốc, có khả năng làm giảm hiệu quả của vắc xin cũng như né tránh miễn dịch, dẫn đến nguy cơ dịch bùng phát trở lại.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) nhận định dịch COVID-19 sẽ còn tiếp tục là mối đe dọa về y tế công cộng trong thời gian tới và cảnh báo về những biến thể mới của SARS-CoV-2 có thể làm cho dịch COVID-19 trở nên phức tạp và tăng trở lại; vắc xin vẫn là biện pháp quan trọng trong phòng, chống dịch COVID-19.

Ngày 31 tháng 3 năm 2022, WHO ban hành phiên bản thứ 3 của Kế hoạch chiến lược chuẩn bị, sẵn sàng và đáp ứng (SPRRP) nhằm kết thúc tình trạng khẩn cấp toàn cầu của COVID-19 trong năm 2022. WHO cũng khuyến khích các quốc gia thực hiện các biện pháp chuyển tiếp từ đáp ứng với đại dịch sang quản lý bền vững.

Tại cuộc họp gần nhất lần thứ 13 (ngày 13/10/2022), Ủy ban khẩn cấp (EC) về Quy định Y tế quốc tế đánh giá “Thế giới vẫn trong tình trạng đại dịch COVID-19 và các nước vẫn phải tiếp tục tăng cường hệ thống giám sát và mở rộng năng lực điều trị, vắc xin cho các đối tượng nguy cơ cao; đồng thời tiếp tục cập nhật kế hoạch chuẩn bị và ứng phó quốc gia với đại dịch COVID-19”.

2. Tại Việt Nam

Từ đầu năm 2020 đến nay, Việt Nam đã trải qua các đợt dịch, đến ngày 06/11/2022, cả nước đã ghi nhận trên 11,5 triệu ca mắc, trên 43 nghìn ca tử vong. Nhờ việc đẩy nhanh tốc độ tiêm vắc xin, dịch bệnh trong thời gian qua đã cơ bản được kiểm soát, các ca bệnh phần lớn có triệu chứng nhẹ, có những giai đoạn nhiều ngày không có tử vong. Tuy vậy trong tháng 8 và 9 năm 2022 dịch có sự gia tăng trở lại.

Một số bài học kinh nghiệm

Sau gần 3 năm triển khai quyết liệt các biện pháp phòng chống dịch COVID-19, trải qua 4 đợt dịch Việt Nam đã kiên trì các chiến lược phòng, chống dịch (ngăn chặn - phát hiện - cách ly - khoanh vùng - dập dịch và điều trị hiệu quả), đồng thời cũng có sự điều chỉnh phù hợp với tình hình dịch. Đặc biệt từ tháng 11 năm 2021 nước ta đã chuyển sang thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19. Việc chuyển đổi chiến lược phòng, chống dịch dựa trên trên cơ sở tình hình dịch đã cơ bản được kiểm soát, thực hiện quyết liệt chiến lược tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho người dân với tỷ lệ bao phủ cao trên phạm vi toàn quốc, cũng như tham khảo kinh nghiệm của các nước trên thế giới.

Quá trình phòng, chống dịch đã thu được những bài học kinh nghiệm, cụ thể như sau:

- Thích ứng an toàn linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19, vừa phòng, chống dịch vừa phát triển kinh tế - xã hội, đánh giá đúng nguy cơ để đưa ra và điều chỉnh những giải pháp phòng, chống dịch phù hợp. Nếu đánh giá nguy cơ không đúng có thể không đáp ứng dịch phù hợp, nhưng đáp ứng thái quá sẽ gây ảnh hưởng kinh tế, an sinh xã hội.

- Các biện pháp phòng chống dịch cần tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại của người dân và phát triển kinh tế xã hội nhưng vẫn phải bảo đảm kiểm soát được tình hình dịch để có thể điều chỉnh một cách kịp thời.

- Linh hoạt trong các biện pháp đáp ứng chống dịch, quản lý rủi ro, dựa trên bằng chứng; trong đó tập trung bảo vệ nhóm dễ bị tổn thương (người cao tuổi, người có bệnh nền, suy giảm miễn dịch, cán bộ y tế, cán bộ tuyến đầu chống dịch); tăng cường áp dụng các biện pháp dự phòng cá nhân.

- Vắc xin vẫn là biện pháp quan trọng nhất trong việc giảm nguy cơ bệnh chuyển nặng, tử vong; tỷ lệ bao phủ vắc xin cao ở tất cả các nhóm đối tượng, đặc biệt là nhóm dễ bị tổn thương và nhóm nguy cơ cao là nền tảng để từng bước nới lỏng các biện pháp y tế và biện pháp xã hội khác.

- Các biện pháp phòng, chống dịch mang tính bền vững trên cơ sở đề cao tính trách nhiệm của các Ban chỉ đạo phòng, chống dịch các cấp từ Trung ương đến tỉnh, huyện, xã; mỗi cá nhân, hộ gia đình, cộng đồng và sự thích ứng linh hoạt của cơ quan, doanh nghiệp.

- Công tác truyền thông phòng, chống dịch COVID-19 thực hiện theo định hướng truyền thông nguy cơ, với nguyên tắc kịp thời, chính xác, minh bạch, hiệu quả, đồng bộ, bám sát chỉ đạo của Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia, phối hợp chặt chẽ giữa Bộ Y tế với các đơn vị của Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông, các cơ quan báo đài ở trung ương cũng như địa phương góp phần lan toả, tạo dòng chảy thông tin chính thống, minh bạch về phòng chống dịch và tiêm chủng vắc xin COVID-19. Bộ Y tế đã chủ động xây dựng khuyến cáo phù hợp diễn biến tình hình dịch bệnh, cung cấp kịp thời đến người dân và cộng đồng, động viên người dân chủ động, tích cực tham gia phòng chống dịch và tiêm vắc xin phòng COVID-19 an toàn.

- Các hoạt động đáp ứng và dự phòng cơ bản được thực hiện ở tất cả các tình huống dịch, có sự điều chỉnh phù hợp với biến thể vi rút và diễn biến dịch; trong khi triển khai các biện pháp đáp ứng, phòng chống trong tình huống đang ở mức độ ổn định, luôn sẵn sàng triển khai các biện pháp đáp ứng, phòng chống nếu dịch diễn biến phức tạp.

- Việc phối hợp chặt chẽ giữa các đơn vị đầu ngành với bệnh viện tuyến dưới trong việc hội chẩn trực tuyến điều trị bệnh COVID-19 đã góp phần thành công trong công tác điều trị bệnh COVID-19 tại các tuyến.

Đánh giá tình hình dịch trong thời gian tới:

- Trên thế giới, dịch bệnh diễn biến vẫn phức tạp, khó lường, biến thể mới liên tục xuất hiện, thường đi kèm khả năng lây lan mạnh hơn làm gia tăng số mắc, tái nhiễm, vẫn ghi nhận nhiều trường hợp bệnh nặng và tử vong. Miễn dịch đáp ứng do mắc bệnh hoặc tiêm chủng giảm dần theo thời gian. Đồng thời, vi rút liên tục biến đổi với các biến chủng mới, biến chủng phụ tiềm ẩn khả năng lây lan nhanh, tránh được miễn dịch, giảm hiệu quả điều trị, không loại trừ nguy cơ tăng nặng, tử vong trở lại.

 - Trong nước đã ghi nhận biến thể phụ BA.4, BA.5, BA.2.74, BA.2.12.1; tỷ lệ tiêm vắc xin mũi 3, mũi 4 và tiêm cho trẻ em tại một số nơi còn thấp. Số ca mắc có dấu hiệu tăng trở lại trong tháng 8 và 9 năm 2022. Trong thời gian tới có thể tiếp tục xuất hiện những biến thể mới, nhất là biến thể mới nguy hiểm hơn làm tăng số mắc và gây quá tải hệ thống y tế.

Ban biên tập trang thông tin điện tử Cục Y tế dự phòng

Thong ke