​Không để dịch bệnh bùng phát trở lại, không để dịch chồng dịch

15/09/2022 In bài viết

Sáng ngày 13 tháng 9 năm 2022, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Trưởng Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 đã chủ trì phiên họp thứ 17 của Ban chỉ đạo Quốc gia trực tuyến với các địa phương về công tác phòng, chống dịch. Tham dự cuộc họp tại đầu cầu trụ sở Chính phủ có Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Bộ trưởng Bộ Tư pháp, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế; đại diện lãnh đạo: Ban Dân vận Trung ương, Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội, Ủy ban Xã hội của Quốc hội; đại diện lãnh đạo các Bộ: Y tế, Công an, Quốc phòng, Thông tin và Truyền thông, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Giao thông vận tải, Công Thương, Lao động - Thương binh và Xã hội, Ngoại giao, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Tổng Biên tập Báo Nhân dân, Tổng Giám đốc các cơ quan: Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam. Tại các điểm cầu địa phương có các đồng chí Trưởng Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Lãnh đạo Tổ công tác đặc biệt của Chính phủ thực hiện công tác phòng, chống dịch COVID-19 dự họp tại điểm cầu Thành phố Hồ Chí Minh.

Phát biểu tại cuộc họp, Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết, trên thế giới dịch vẫn diễn biến phức tạp, khó lường và đã bùng phát trở lại tại một số quốc gia với sự xuất hiện của biến chủng Omicron và các biến thể phụ BA.4, BA.5, BA.2.75, BA.2.12.1. Số ca nhập viện và số ca tử vong đã gia tăng trở lại; trong tháng 7 đã ghi nhận trên 30 triệu ca mắc mới (tăng gấp 1,7 lần so với cùng tháng trước đó). Tổ chức Y tế thế giới (WHO) hiện vẫn cảnh báo dịch COVID-19 là đại dịch toàn cầu và khuyến cáo duy trì các biện pháp ứng phó, nhất là tiêm chủng vaccine.

Đến ngày 11/9/2022 thế giới ghi nhận 613 triệu ca mắc, trên 6,5 triệu trường hợp tử vong. Biến thể Omicron đang chiếm ưu thế so với các biến thể khác và có khả năng lây lan nhanh hơn so với các biến thể gốc. Trong nước ghi nhận trên 11,4 triệu ca mắc, có 10,3 triệu người khỏi bệnh (90,2%) và trên 43 nghìn ca tử vong (0,38%). So với tháng 7, tháng 8 năm 2022 số mắc tăng 2,4 lần, số tử vong tăng 18 ca.

Tính đến ngày 11/9/2022, Việt Nam đã triển khai tiêm được hơn 258,7 triệu liều vaccine phòng COVID-19, vẫn là quốc gia có số liều vaccine sử dụng và tỷ lệ bao phủ vaccine cao trên thế giới (tỷ lệ tiêm mũi 1, mũi 2 cho người từ 12 tuổi trở lên đạt xấp xỉ 100%); tỷ lệ tiêm mũi 3 cho người từ 18 tuổi trở lên trên tổng dân số là 77%; tỷ lệ tiêm mũi 3 cho người từ 12 đến 18 tuổi đạt 55,2% (so với tổng dân số tỷ lệ này là 56% cao gấp đôi tỷ lệ trung bình trên thế giới 28%); tỷ lệ tiêm mũi 1, mũi 2 cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi cao hơn một số quốc gia phát triển... Trong tháng 8, cả nước tiêm được 11 triệu liều vắc xin, trung bình mỗi ngày tiêm được 360.000 liều. Bộ Y tế đã triển khai tiếp nhận và phân bổ khoảng 253 triệu liều vắc xin phòng COVID-19 các loại cho các địa phương để triển khai tiêm cho các nhóm đối tượng.

Tại cuộc họp, Ban Chỉ đạo Quốc gia biểu dương các địa phương: Nghệ An, Bắc Giang, Thanh Hóa, Bến Tre, Quảng Ninh (đạt tỉ lệ tiêm mũi 3 cho người từ 18 tuổi trở lên cao nhất); Tiền Giang, Quảng Bình, Điện Biên, Bắc Kạn (đạt tỉ lệ tiêm mũi 4 cao nhất); Bắc Giang, Sóc Trăng, Quảng Ninh, Kon Tum, Lâm Đồng (đạt tỉ lệ tiêm mũi 3 cho trẻ từ 12 đến dưới 18 tuổi cao nhất); Sóc Trăng, Bắc Giang, Hậu Giang, Cà Mau, Cần Thơ (đạt tỉ lệ tiêm mũi 2 cho cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi cao nhất) và yêu cầu các tỉnh, thành phố có tỉ lệ tiêm chủng thấp nghiêm túc rà soát, xem xét trách nhiệm các cấp, làm rõ nguyên nhân chưa hoàn thành việc tiêm vắc xin để khẩn trương có biện pháp khắc phục.

Phát biểu tại phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính dành nhiều thời gian phân tích và một lần nữa nhấn mạnh chúng ta không bao giờ quên được những ngày tháng khi năng lực y tế còn hạn chế, chưa có nhiều kinh nghiệm, chưa có đủ vaccine, thuốc chữa bệnh COVID-19, chúng ta bắt buộc phải dùng các biện pháp hành chính để phòng, chống dịch, vừa lúng túng, bị động, vừa mất nhiều công sức, nguồn lực, vừa nhiều hy sinh, mất mát, vừa ảnh hưởng nặng nề tới các hoạt động của xã hội.

Trong nước, dịch COVID-19 vẫn đang được kiểm soát; tuy nhiên vẫn tiềm ẩn nguy cơ diễn biến phức tạp, khó lường do: (1) Vi rút biến đổi, xuất hiện các biến thể mới; (2) Hiệu lực bảo vệ của vắc xin suy giảm theo thời gian; (3) Các dịch bệnh thông thường, dịch bệnh theo mùa có xu hướng gia tăng dẫn đến nguy cơ dịch chồng dịch; (4) Có tâm lý lơ là, chủ quan ở một bộ phận người dân và chính quyền một số địa phương; (5) Tác động tiêu cực của tình trạng biến đổi khí hậu, thời tiết cực đoan.

Thủ tướng Chính phủ đề nghị Bộ Y tế tiếp tục bám sát tình hình dịch bệnh; thường xuyên rà soát, cập nhật, báo cáo về kịch bản phòng, chống dịch theo Nghị quyết số 38/NQ-CP ngày 17/3/2022 của Chính phủ; tăng cường kiểm tra, đôn đốc công tác phòng chống dịch tại các địa phương. Tinh thần chung là: Không để dịch bệnh bùng phát trở lại, không để dịch chồng dịch; cơ quan, địa phương nào để dịch bệnh bùng phát trở lại do nguyên nhân chủ quan phải chịu trách nhiệm trước Đảng, Nhà nước, trước Nhân dân. Thủ tướng khẳng định quan điểm chỉ đạo là: thực hiện đồng bộ các giải pháp để bảo đảm an ninh, an toàn trật tự xã hội, an sinh xã hội, góp phần thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; đặt tính mạng, sức khỏe người dân lên trên hết, trước hết; phòng bệnh hơn chữa bệnh, phòng bệnh từ sớm, từ xa, từ cơ sở; đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng người để vận động tiêm vaccine và phòng, chống dịch; tiêm chủng vaccine phòng ngừa dịch bệnh là trách nhiệm, nghĩa vụ và quyền lợi của mỗi người dân.

 

Ban biên tập trang thông tin điện tử Cục Y tế dự phòng

Thong ke