Tin tức

Tin tức

​“Cuộc chiến giữa nhân loại và muỗi vằn được xếp hàng đầu trên toàn cầu hiện nay”

06/09/2017 In bài viết

Chững lại trong 3 tuần qua, dịch sốt xuất huyết (SXH) hiện lại đang đứng trước nguy cơ gia tăng trở lại, khi mùa mưa đang bước vào giai đoạn đỉnh điểm. PGS.TS Phan Trọng Lân - Viện trưởng Viện Pasteur TP. Hồ CHí Minh cùng “Buffet cuối tuần” nhìn lại chặng đường “quyết đấu” với SXH vừa qua và những mối lo thường trực về dịch bệnh gây phiền toái này.

Chững lại trong 3 tuần qua, dịch sốt xuất huyết (SXH) hiện lại đang đứng trước nguy cơ gia tăng trở lại, khi mùa mưa đang bước vào giai đoạn đỉnh điểm. PGS.TS Phan Trọng Lân - Viện trưởng Viện Pasteur TP. Hồ CHí Minh cùng “Buffet cuối tuần” nhìn lại chặng đường “quyết đấu” với SXH vừa qua và những mối lo thường trực về dịch bệnh gây phiền toái này.

“Hơn 40% dân số toàn cầu có nguy cơ mắc bệnh SXH”

PV: Dịch SXH năm nay ở ta bị cho là đến sớm hơn, kéo dài hơn, tốc độ bùng phát khó kiểm soát hơn... Xét trong tương quan chung với các nước cùng mối lo, thì tình hình tại Việt Nam hiện đang ở mức nào, thưa ông?

PGS.TS Phan Trọng Lân:  Sự gia tăng ca mắc SXH xảy ra khi có sự thay đổi của 4 yếu tố (tác nhân gây bệnh, véc tơ truyền, khối cảm thụ và biện pháp phòng chống) theo hướng bất lợi. Trong khi đó, với tình hình bệnh SXH hiện tại, ở khu vực ghi nhận có sự chuyển đổi chủng huyết thanh mới, thì số người chưa có miễn dịch với chủng huyết thanh này tăng lên, nên số mắc, cũng như nguy cơ dịch sẽ gia tăng.

Mặt khác, mùa mưa lại đến sớm hơn mọi năm, khi cộng đồng còn chủ quan chưa kịp dọn dẹp ổ chứa lăng quăng. Trứng muỗi lại có sức chịu hạn cao, có thể tồn tại qua mùa khô, chờ mưa xuống là nở. Mỗi con muỗi cái có thể đẻ 4-5 lần; mỗi lần 100-200 trứng ở rất nhiều dụng cụ chứa nước trong cùng một lần. Do vậy, mật độ muỗi càng cao hơn bình thường, ngay từ đầu năm. Chưa kể đến việc kết hợp với quá trình phát triển đô thị hóa và giao lưu đi lại cao làm thay đổi quần thể miễn dịch...

Sự gia tăng này vẫn nằm trong xu hướng chung của thế giới. Theo Tổ chức Y tế Thế giới, số mắc SXH trong 50 năm qua đã gia tăng gấp 30 lần và lan rộng ở 128 quốc gia trên thế giới với 3,9 tỉ người (hơn 40% dân số toàn cầu) có nguy cơ mắc bệnh. Hàng năm, có 390 triệu người nhiễm bệnh, 96 triệu trường hợp có triệu chứng. Theo thống kê trên thế giới, SXH năm nay cao hơn năm trước. Cứ mỗi 10 năm, số mắc SXH lại gia tăng gấp đôi. Và Việt Nam không là ngoại lệ.

PV: Sau một loạt biện pháp phòng chống, hiện tình hình đã được kiểm soát đến đâu, thưa PGS?

PGS.TS Phan Trọng Lân: Tình hình bệnh SXH tại khu vực phía Nam đang chững lại trong 3 tuần qua. Kết quả đó là nhờ vào sự can thiệp quyết liệt của chính quyền các cấp, y tế địa phương và đặc biệt là người dân. Mùa mưa hiện sắp đến giai đoạn đỉnh điểm và số ca mắc SXH đang dừng lại ở mức cao. Vì vậy, nguy cơ SXH sẽ gia tăng trở lại là hoàn toàn có thể xảy ra. Các biện pháp phòng chống SXH vì thế cần thường xuyên hơn, quyết liệt hơn, đồng bộ hơn và kiên trì hơn nữa.

PV: Hàng chục tỉ đồng đã được chi cho hoạt động phòng chống SXH hàng năm. Con số đó theo ông liệu có “khiêm tốn”, hay là một cái giá quá đắt mà chúng ta đang phải trả cho việc chưa kiểm soát được dịch bệnh?

PGS.TS Phan Trọng Lân: Để phòng, chống sốt xuất huyết, đòi hỏi sự tham gia của toàn xã hội, gắn liền với văn hóa, phát triển kinh tế, xã hội. Làm tốt vấn đề quy hoạch đô thị, cung cấp nước phù hợp (hạn chế dụng cụ chứa nước), xử lý phế thải; song song với việc người dân thường xuyên, kiên trì hàng tuần kiểm tra, phát hiện và loại trừ nơi tồn tại của loăng quăng bọ gậy, phát triển..., sẽ bớt phải căng mình để chống dịch. Chỉ riêng kinh phí cho y tế trong việc giám sát, mạng lưới cộng tác viên ở những nơi nguy cơ cao, số kinh phí trên vẫn còn khiêm tốn.

Đồng thời, kinh phí cần được cấp ngay từ đầu năm để các công tác phòng chống SXH được triển khai nhanh, chủ động và mang lại hiệu quả cao. Cùng một số tiền, nếu đầu tư sớm để phòng ngừa chủ động, sớm và liên tục từ đầu năm sẽ giúp phát hiện sớm các dấu hiệu cảnh báo dịch, làm chậm tốc độ lây lan dịch bệnh, góp phần giảm mắc, giảm quá tải cho bệnh viện, giảm số ca tử vong SXH và đặc biệt là giảm thiểu chi phí xã hội do dịch bệnh SXH gây ra... 

“Đến hẹn lại lên” nên dễ lơ là, chủ quan

PV: Việt Nam từng đẩy lùi đại dịch SARS chỉ trong vòng 45 ngày, nhưng dịch SXH ở VN cho đến nay vẫn là một vấn nạn thường niên. Cái khó hơn ở đây là gì, thưa ông?

PGS.TS Phan Trọng Lân: Bệnh lây qua đường hô hấp dễ kiểm soát hơn so với bệnh lây qua véc tơ. Vì véc tơ là trung gian truyền bệnh di động nên càng khó khăn trong kiểm soát. Điểm thuận lợi nữa của dịch SARS là dịch bệnh mới nổi, có tỉ lệ tử vong cao nên dễ dàng lôi kéo mọi người, kể cả chính quyền và cộng đồng tập trung mọi nguồn lực, đầu tư đầy đủ về nhân lực, vật lực, tài lực, quyết tâm khống chế dịch bệnh. Những tập trung đầu tư này chỉ cần diễn ra trong thời gian ngắn.

Trong khi đó, SXH là dịch bệnh lưu hành từ trước đến nay nên dễ gây ra sự lơ là, chủ quan. Kiểm soát véc tơ truyền bệnh đã khó, các cấp chính quyền lại thường chỉ tập trung đầu tư vào một khoảng thời gian ngắn trong năm, bằng việc tổ chức các chiến dịch diệt lăng quăng hoặc khi dịch bệnh SXH ở đỉnh cao; chứ khó đầu tư liên tục nhiều tháng, nhiều năm vào hoạt động phòng chống SXH.

Chủ quan, lơ là, không huy động nguồn lực đủ, hoặc đầu tư không toàn diện, thiếu ổn định sẽ bỏ lỡ việc phòng ngừa chủ động. Do đó, để kiểm soát tốt và hiệu quả bệnh SXH, chúng ta cần thực hiện kiên trì, liên tục ngay từ đầu năm và nhiều năm mới có thể hạ nhiệt được dịch.

PV: Theo Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, đến nay đã có 128 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới có dịch. VN từng khiến một số nước (trong số 25 nước có dịch) cử người sang học cách khống chế dịch SARS, vậy ngược lại, liệu VN có thể học hỏi gì từ các nước đã ít nhiều khống chế được dịch SXH?

PGS.TS Phan Trọng Lân: Bệnh SXH chưa có vắc xin phòng bệnh, chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Phòng chống SXH là biện pháp tổng thể, kể cả khi nghiên cứu vắc xin ngừa bệnh SXH thành công thì để kiểm soát triệt để bệnh SXH vẫn rất cần sự ý thức, trách nhiệm của mỗi hộ dân, vai trò chỉ đạo của chính quyền cơ sở và nỗ lực của ngành Y tế trong kiểm soát sớm, hiệu quả các ổ dịch SXH, như các khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới.

Về lâu dài, Tổ chức Y tế Thế giới đề xuất 5 chiến lược trọng tâm bao gồm: Nâng cao năng lực chẩn đoán và điều trị bệnh SXHD; giám sát kết hợp (Dịch tễ - Vi rút - Côn trùng) và đáp ứng chống dịch (xử lý ổ dịch và dập dịch); kiểm soát véc tơ bền vững bằng cách diệt lăng quăng/bọ gậy là chính; đẩy mạnh nghiên cứu vắc xin phòng ngừa bệnh SXH...

Gần đây, thế giới cũng đã ghi nhận những thành công của Singapore và Cuba trong việc kiểm soát bệnh SXH. Dấu ấn chung đậm nét giữa 2 quốc gia này chính là việc có một chiến lược kiểm soát ổ chứa lăng quăng dài hạn, xuyên suốt và bền vững với nguồn lực đầu tư tốt, ổn định và sự tham gia quyết liệt của các đơn vị ngoài ngành Y tế từ trung ương đến tận khu phố/làng xóm.

Dù vậy, cuộc chiến giữa nhân loại và muỗi vằn - thủ phạm gây ra cái chết cho nhân loại được xếp hàng đầu trên toàn cầu hiện nay, theo thống kê của WHO.

PV: Nhiều chuyên gia đã lên tiếng ủng hộ việc công bố dịch, khi đã đủ điều kiện. Thế nhưng, động thái đó lại được cho là sẽ gây ảnh hưởng, thất thu cho ngành du lịch nước nhà. Cách nào để dung hòa giữa trách nhiệm của ngành Y và lợi ích kinh tế của ngành du lịch?

PGS.TS Phan Trọng Lân: Khi một sự kiện y tế công cộng nói chung, các bệnh dịch nói riêng có ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe cộng đồng như số mắc/chết tăng bất thường, lây lan nhanh, thất bại trong điều trị, xảy ra nhiều ở nhóm nguy cơ, có các yếu tố gây trở ngại hay trì hoãn thực hiện các biện pháp y tế (thiên tai, thời tiết không thuận lợi, nhiều ổ dịch bệnh), sự kiện xảy ra ở nơi mật độ dân cư đông; vượt quá khả năng của y tế cần hỗ trợ bên ngoài như huy động nguồn lực toàn xã hội cho công việc kiểm soát dịch;

Cần có chỉ đạo và phối hợp đồng bộ của chính quyền các sở/ban/ngành chặt chẽ và thông tin rộng rãi, thống nhất tới cộng đồng. Khi xảy ra dịch bệnh, các nước trên thế giới có thể có tên gọi khác nhau về thông báo dịch bệnh, hay công bố dịch, thường gồm 5 nội dung: Tên bệnh dịch; Thời gian, địa điểm và quy mô xảy ra dịch; Nguyên nhân, đường lây truyền, tính chất, mức độ nguy hiểm của dịch;

Các biện pháp phòng, chống dịch; Các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thực hiện việc tiếp nhận, điều trị người mắc bệnh truyền nhiễm. Các nội dung này phải được thông báo kịp thời cho cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan để triển khai các biện pháp chống dịch.

Thời gian qua, các phương tiện truyền thông đại chúng đã có nhiều nỗ lực đưa tin khách quan và kịp thời tình hình dịch bệnh và đáp ứng của ngành Y tế cho cộng đồng, từ đó giúp nâng cảnh giác của người dân trước tình hình dịch bệnh SXH nói riêng và bệnh truyền nhiễm nói chung. Đó là sự minh bạch và công khai thông tin dịch bệnh của ngành Y tế cho người dân và xã hội.

Xin cảm ơn ông.

 

Ban biên tập Trang thông tin điện tử - Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế

(Nguồn: https://laodong.vn/lao-dong-cuoi-tuan/cuoc-chien-giua-nhan-loai-va-muoi-van-duoc-xep-hang-dau-tren-toan-cau-hien-nay-562360.ldo )



 

 

Admin

Tin tức liên quan

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long kiểm tra công tác phòng chống dịch tại tỉnh Nam Định

Sáng ngày 01 tháng 9 năm 2017, Đoàn Bộ Y tế do GS.TS. Nguyễn Thanh Long, Thứ trưởng Bộ Y tế làm trưởng đoàn đã tới kiểm tra công tác phòng chống dịch sốt xuất huyết (SXH) tại tỉnh Nam Định.

Xem chi tiết Next

Công văn Bộ Y tế gửi Giám đốc Sở Y tế các tỉnh, thành phố về tăng cường công tác phòng chống cúm gia cầm

Theo thông báo của Tổ chức Y tế thế giới, trong những tuần gần đây Trung Quốc tiếp tục ghi nhận các trường hợp mắc cúm A(H7N9) trên người. Ghi nhận mắc cúm A(H5N1) trên gia cầm tại Lào, cúm A(H5N6) trên gia cầm tại Philippine. Tại Việt Nam ghi nhận ổ dịch cúm A(H5N1) trên gia cầm tại tỉnh Bạc Liêu. Các chủng vi rút cúm gia cầm như cúm A(H7N9), cúm A(H5N2), cúm A(H5N8) chưa có ở Việt Nam nhưng luôn có nguy cơ xâm nhập vào trong nước thông qua các hoạt động vận chuyển, buôn bán, tiêu thụ gia cầm và sản phẩm gia cầm nhập lậu, không rõ nguồn gốc. Mặc dù, hiện nay không ghi nhận các trường hợp mắc cúm gia cầm ở người, nhưng luôn có nguy cơ cao lây lan từ gia cầm sang người nếu không có các biện pháp phòng chống kịp thời và hiệu quả. Để chủ động phòng chống dịch bệnh cúm gia cầm, ngày 06/9/2017 Cục Y tế dự phòng đã có Công văn số 1062/DP-DT gửi Giám đốc Sở Y tế các tỉnh, thành phố đề nghị khẩn trương chỉ đạo triển khai một số nội dung sau:

Xem chi tiết Next

Khuyến cáo bảo vệ sức khỏe trong kỳ nghỉ lễ.

Nghỉ lễ Độc lập 2/9 là dịp để sum vầy và nghỉ ngơi, tuy vậy giữ gìn sức khỏe là vấn đề không thể lơ là. Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế khuyến cáo người dân những điều cần lưu ý sau đây để bảo vệ sức khỏe của bản thân và gia đình.

Xem chi tiết Next

Sử dụng muỗi Aedes aegypti mang vi khuẩn Wolbachia trong phòng chống Sốt xuất huyết – một hướng đi mới nhiều triển vọng

Bệnh sốt xuất huyết Dengue (SXH) hiện nay đang là vấn đề y tế công cộng mang tính toàn cầu và được Tổ chức y tế thế giới (WHO) đánh giá là một trong những bệnh do véc tơ truyền quan trọng nhất. Bệnh lưu hành ở hơn 100 quốc gia với hàng trăm triệu ca mắc hàng năm. Tại Việt Nam, bệnh SXH cũng đang là vấn đề y tế công cộng rất lớn. Bệnh gây dịch ở cả 4 khu vực Bắc, Trung, Nam, Tây Nguyên với số mắc hàng năm lên tới vài chục nghìn trường hợp. Đặc biệt năm 2017, dịch SXH đã bùng phát ở nhiều tỉnh, thành và kéo dài trong nhiều tháng với tổng số ca mắc cao hơn nhiều so với năm trước.

Xem chi tiết Next
Thong ke