​Giá trị cộng đồng trong ứng phó với khủng hoảng COVID-19 ở Việt Nam

07/09/2020 In bài viết

giá trị cộng đồng trong ứng phó với khủng hoảng COVID-19 ở Việt Nam


Tối ngày 11-3-2020, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) chính thức tuyên bố sự bùng phát của dịch viêm đường hô hấp cấp (COVID-19) do chủng mới của virus Corona (SARS-CoV-2) là đại dịch toàn cầu. Có thể nói, cuộc đối đầu với COVID-19 là một cuộc chiến sinh tử của toàn nhân loại. Đại dịch COVID-19 đã gây ra cuộc khủng hoảng nghiêm trọng nhất mà thế giới phải đối mặt kể từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai. Một nửa nhân loại trên toàn cầu bị phong tỏa, “đóng cửa và ở yên trong nhà” là mệnh lệnh đối với hơn một nửa dân số thế giới (gần 4 tỷ người). Và thế giới đương đại cũng chưa từng chứng kiến một cuộc khủng hoảng, thảm họa hay bất kỳ một cuộc chiến nào có sức tàn phá và hủy diệt nhanh như đại dịch COVID-19.
“Cuộc chiến” với kẻ thù vô hình này đã thay đổi thế giới và giúp nhân loại ý thức rõ hơn về những giá trị cộng đồng, cho thấy giá trị cộng đồng có vai trò hết sức quan trọng trong việc xây dựng một thể chế công, bảo đảm các giá trị chung, lợi ích chung, tạo sự đồng thuận và hòa hợp hơn là các giá trị cá nhân, vị kỷ. Bên cạnh việc đề cao chủ nghĩa cộng đồng, khả năng ứng phó mau lẹ, cùng với chính sách, hành động quyết liệt của Chính phủ và chính quyền các cấp đã đem lại cho Việt Nam những thành công quan trọng trong ứng phó với đại dịch COVID-19.
Những giá trị cộng đồng đã được hiện thực hóa thông qua hành động quyết liệt của Chính phủ; sự tham gia, đồng lòng có trách nhiệm của người dân. Công thức “bốn tại chỗ” (chỉ đạo tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ, hậu cần tại chỗ) và thực hiện nghiêm 5 nguyên tắc về công tác phòng, chống dịch COVID-19 (ngăn chặn, phát hiện, cách ly, khoanh vùng, dập dịch), khả năng huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc đang cho thấy những ưu điểm rõ rệt, đặc biệt trong điều kiện các nguồn lực còn hạn chế như ở Việt Nam. Thành công của Việt Nam trong việc ứng phó, kiểm soát đại dịch COVID-19 là điều không thể không ghi nhận. Hãng thông tấn DPA của Đức ngày 13-4-2020 viết: “Không có bất kỳ ca tử vong nào và số ca nhiễm virus corona chủng mới chỉ dừng lại ở vài trăm người, cách ứng phó của Việt Nam với đại dịch COVID-19 đã nhận được sự khen ngợi từ Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và có thể là bài học cho các quốc gia trong việc chiến đấu để kiểm soát dịch bệnh”.
Dù không phải quốc gia giàu có, nhưng Việt Nam được đánh giá là hình mẫu và tấm gương trong cuộc chiến chống lại dịch bệnh COVID-19. Hiệu quả ứng phó với đại dịch của Việt Nam chứng tỏ rằng, các giá trị cộng đồng là nền tảng gắn với vai trò không tách rời, sự tham gia của nhiều chủ thể của hệ thống chính trị Việt Nam. Cả hệ thống chính trị vào cuộc, từ lãnh đạo Đảng, Chính phủ đến chính quyền cấp huyện, xã đến người dân, doanh nghiệp, truyền thông - báo chí. Công cuộc chống dịch đòi hỏi sự quyết liệt, sự tin tưởng, đồng lòng, chung sức của toàn dân, là cơ sở cho sự tập trung, thống nhất quyền lực, để những nỗ lực, hành động tập thể đem lại lợi ích cho cộng đồng.
Sự bùng phát của COVID-19 nhắc nhở nhân loại về những giá trị cộng đồng mà mọi thành viên phải coi trọng, đó là một tập thể gắn kết, kỷ luật và lãnh đạo tốt. Việt Nam đã đạt được thành công quan trọng bước đầu trong cuộc chiến chống đại dịch COVID-19 và cũng chỉ ra cho thế giới thấy sự chung sức, đồng lòng, làm việc như một thể thống nhất của toàn Đảng, toàn dân ta. Chính phủ Việt Nam đã giành được niềm tin của người dân. Đó chính là những giá trị của Việt Nam, thể hiện Việt Nam đã có cái nhìn và các quyết sách hợp lý, lâu dài.

 

Ban biên tập Trang thông tin điện tử Cục Y tế dự phòng

Tin tức liên quan

Ấm áp tình người giữa đại dịch

Ấm áp tình người giữa đại dịch

Xem chi tiết Next

Giải pháp hỗ trợ người lao động bị mất việc do COVID-19

giải pháp hỗ trợ người lao động bị mất việc do COVID-19

Xem chi tiết Next

ASEM: Tăng cường hợp tác ứng phó với đại dịch Covid-19

ASEM: Tăng cường hợp tác ứng phó với đại dịch Covid-19

Xem chi tiết Next

Đức hỗ trợ lao động dệt may Việt Nam bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19

Đức hỗ trợ lao động dệt may Việt Nam bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19

Xem chi tiết Next
Thong ke