Tin tức

Tin tức

​Hỏi - Đáp về trầm cảm

06/04/2017 In bài viết

_
I. Thông tin chung về trầm cảm
1. Trầm cảm là gì?

Trầm cảm là một rối loạn tâm thần biểu hiện bằng sự buồn bã dai dẳng hoặc mất hứng thú đối với tất cả những thứ trước đây mình thích, kèm theo không có khả năng thực hiện các hoạt động hàng ngày, thời gian ít nhất 2 tuần. Ngoài ra, người trầm cảm thường có các triệu chứng sau: cảm giác không còn sức lực; thay đổi cảm giác ngon miệng; mất ngủ hay ngủ quá nhiều; lo lắng; giảm tập trung; do dự; thấy bất an; cảm thấy bản thân vô dụng, tội lỗi hoặc mất hy vọng; có suy nghĩ tự hại bản thân hoặc tự sát.

2. Có bao nhiêu người bị ảnh hưởng bởi trầm cảm?
Theo ước tính, có trên 300 triệu người bị trầm cảm, hay cứ 25 người thì có 1 người bị trầm cảm. 

3. Số người bị trầm cảm có tăng lên không?
Có, số người bị trầm cảm tăng thêm 18% trong giai đoạn 2005 -2015. Đây là do có sự gia tăng chung về dân số trên thế giới cũng như sự gia tăng người cao tuổi, là tuổi mà trầm cảm phổ biến hơn. 

4. Ai dễ bị mắc trầm cảm nhất?
Mặc dù trầm cảm có thể và ảnh hưởng mọi lứa tuổi, mọi tầng lớp trong xã hội nhưng nguy cơ bị trầm cảm tăng lên do nghèo đói, thất nghiệp, các biến cố trong cuộc sống như mất người thân hoặc đổ vỡ trong mối quan hệ, do ốm đau và rối loạn do sử dụng chất.

5. Trầm cảm có thể phòng tránh được không?
Khởi phát của đợt trầm cảm đầu tiên có thể không hoàn toàn ngăn ngừa được nhưng ở một mức độ nào đó, lối sống cân bằng với ngủ đủ, chế độ ăn cân đối và tập luyện thể dục thể thao thường xuyên có thể giúp phòng ngừa trầm cảm. Được bảo vệ không bị bạo lực, xâm hại và mất mát cũng giúp phòng ngừa trầm cảm. Trong những người đã có một số triệu chứng của trầm cảm, tiến triển đầy đủ của đợt trầm cảm có thể ngăn ngừa được bằng các liệu pháp điều trị tâm lý như liệu pháp nhận thức-hành vi. Trong số những người phục hồi sau trầm cảm, điều trị tâm lý hoặc dùng thuốc chống trầm cảm có thể tránh tái phát.

6. Trầm cảm có thể điều trị được không?
Có, trầm cảm có thể điều trị hiệu quả được. Đối với người lớn, trầm cảm thể nhẹ có thể được điều trị hiệu quả bằng can thiệp tâm lý. Với trầm cảm thể vừa-nặng, cả điều trị tâm lý và dùng thuốc chống trầm cảm đều hiệu quả. Một số người cần đồng thời cả hai can thiệp này. 

7. Có thể làm gì để giảm kỳ thị với trầm cảm và các rối loạn tâm thần khác?
Một trong những biện pháp hiệu quả nhất nhằm giảm sự kỳ thị liên quan tới trầm cảm và các rối loạn tâm thần khác là nói chuyện về các rối loạn này ở mọi góc độ trong xã hội – ở cấp độ chính phủ, tại nơi làm việc, trường học, câu lạc bộ và các hội nghề nghiệp, phòng khám của bác sỹ và ở gia đình. Lồng ghép các dịch vụ/hỗ trợ chăm sóc sức khỏe tâm thần vào trong các dịch vụ y tế chung là biện pháp cốt lõi nhằm giảm sự kỳ thị và nhận thức chưa đúng về sức khỏe tâm thần.  

II. Thông tin về trầm cảm ở trẻ em và thanh thiếu niên

1. Vấn đề trầm cảm ở trẻ em và thanh thiếu niên nghiêm trọng như thế nào?
Trầm cảm là nguyên nhân hàng đầu gây bệnh tật và tàn tật ở thanh thiếu niên. Ở các nước có thu nhập cao, ít hơn một nửa trẻ vị thành niên có các vấn đề sức khỏe tâm thần được chăm sóc.  Ở các nước có thu nhập thấp và trung bình, việc tiếp cận điều trị còn rất hạn chế.

Ngoài ra, một nửa rối loạn tâm thần ở người lớn bắt đầu ở tuổi 14. 

2. Phương pháp gì WHO khuyến cáo cho điều trị cho trầm cảm ở thanh thiếu niên?
WHO khuyến cáo các cơ sở y tế là không kê đơn thuốc chống trầm cảm cho trẻ dưới 12 tuổi. Những trẻ này cần được can thiệp bằng liệu pháp tâm lý. 

Đối với thanh thiếu niên, WHO khuyến cáo các cơ sở y tế trước tiên áp dụng các can thiệp tâm lý như liệu pháp nhận thức-hành vi. Nếu các can thiệp này không hiệu quả, thì có thể cân nhắc dùng thuốc chống trầm cảm fluoxetine (không dùng thuốc chống trầm cảm khác). Vị thành niên dùng thuốc chống trầm cảm cần được yêu cầu quay lại khám hàng tuần, ít nhất là trong bốn tuần đầu, cùng với sự theo dõi thường xuyên trong suốt quá trình điều trị.

3. Có mối liên quan nào giữa thuốc chống trầm cảm với hành vi tự tử?
Các bằng chứng cho thấy thuốc chống trầm cảm có thể làm gia tăng ý nghĩ tự tử ở vị thành niên. Vì trầm cảm nặng có thể, ở mức độ tồi tệ nhất, dẫn tới hành vi tự tử do đó cần cân nhắc kỹ trước khi quyết định kê đơn thuốc chống trầm cảm. Các nghiên cứu cho thấy thuốc chống trầm cảm không làm tăng nguy cơ hay ý nghĩ tự tử ở người lớn. 

4. Có thể làm gì để cải thiện sức khỏe tâm thần cho thanh niên?
Các hoạt động giúp trẻ em và thanh thiếu niên tạo dựng khả năng thích nghi và kỹ năng sống có thể góp phần nâng cao sức khỏe tâm thần. Các bậc cha mẹ, nhà trường và tổ chức cộng đồng như câu lạc bộ thể thao và CLB thanh niên có thể đóng vai trò quan trọng trong việc này. 

Các chương trình hỗ trợ nhằm tăng cường sự gắn kết giữa thanh thiếu niên và gia đình cũng rất quan trọng. Cần có đội ngũ cán bộ y tế-xã hội có năng lực và biết quan tâm để luôn sẵn sàng hỗ trợ trong những tình huống khó khăn.  

5. Bị bắt nạt có phải là nguyên nhân dẫn đến trầm cảm không? 
Bắt nạt với mọi hình thức, bao gồm bắt nạt trên mạng, là một yếu tố nguy cơ gây trầm cảm. 

Điều quan trọng là các bậc cha mẹ, thầy cô giáo và những người chăm sóc trẻ phải biết nhận biết các dấu hiệu trầm cảm cho dù trẻ có là nạn nhân của nạn bắt nạt hay không. Các dấu hiệu cần chú ý bao gồm:

• Buồn rầu kéo dài và mất hứng thú/không còn quan tâm tới các hoạt động trước đây thích.

• Xa lánh người khác

• Cáu kỉnh

• Khó tập trung

• Thay đổi cảm giác ngon miệng hoặc mất ngủ, hoặc ngủ quá mức

• Làm những việc gây rủi ro mà trước đây trẻ không làm. 

6. Có mối liên quan nào giữa việc sử dụng các phương tiện truyền thông xã hội với trầm cảm?
Đã có một số nghiên cứu về khả năng liên quan giữa phương tiện truyền thông xã hội và trầm cảm. Tổng quan tài liệu hiện có cho thấy mối liên quan này không rõ ràng ở cả hai góc độ, một là triệu chứng trầm cảm xuất hiện là do việc sử dụng quá thường xuyên các phương tiện truyền thông xã hội, hai là sử dụng các phương tiện xã hội thường xuyên là do các triệu chứng trầm cảm. 

Cho dù các kết quả nghiên cứu như thế nào, các bậc cha mẹ và thầy cô giáo cần chú ý tới các dấu hiệu ở trẻ như xa lánh những người khác và mất hứng thú/không quan tâm tới các hoạt động trẻ vẫn thường chơi bởi vì đây là những dấu hiệu cảnh báo các vấn đề tiềm ẩn trong cuộc đời trẻ. 

III. Thông tin liên quan về Phụ nữ đối với trầm cảm 

1. Trầm cảm có phổ biến ở nữ giới hơn nam giới không?
Có, trầm cảm phổ biến hơn ở nữ giới so nam giới. Theo ước tính mới nhất trên toàn cầu, 5,1% nữ giới bị trầm cảm, trong khi đó tỷ lệ này ở nam giới là 3,6%.

2. Trầm cảm ở phụ nữ mang thai nghiêm trọng như thế nào?
Trên thế giới, khoảng 10% phụ nữ mang thai mắc chứng rối loạn tâm thần, chủ yếu là trầm cảm. Một số nghiên cứu ở các nước có thu nhập thấp và trung bình cho thấy tỷ lệ hiện mắc trầm cảm ở các nước này cao hơn. Trầm cảm trong quá trình mang thai, gọi là “trầm cảm trong thời kỳ mang thai” là một yếu tố nguy cơ lớn đối với trầm cảm sau sinh. 

3. Vấn đề trầm cảm ở phụ nữ sau sinh nghiêm trọng như thế nào?
Trầm cảm sau sinh rất phổ biến. Trên thế giới, khoảng 13% phụ nữ bị trầm cảm trong nhiều tháng đầu sau sinh. 

4. Trầm cảm sau sinh là gì? 
Các triệu chứng trầm cảm sau sinh gồm: Cảm thấy mệt đến kiệt sức, cảm giác tủi thân kéo dài mà không có lý do rõ ràng; không quan tâm gắn bó với con mình; cảm thấy mình không thể chăm sóc cho bản thân và con mình. Đây là những triệu chứng thêm ngoài các triệu chứng thường gặp khác như buồn bã dai dẳng; mất hứng thú/không quan tâm tới các hoạt động thường làm; và thay đổi cảm giác ngon miệng và mất ngủ hoặc ngủ quá mức. 

Nếu không được điều trị, trầm cảm sau sinh có thể kéo dài trong vài tháng thậm chí vài năm. Trầm cảm có thể ảnh hưởng tới sức khỏe của người mẹ và sự phát triển của em bé.

Có thông tin cho rằng ở các nước thu nhập thấp, trầm cảm trong thời kỳ mang thai và sau sinh có liên quan tới trẻ bị nhẹ cân, suy dinh dưỡng, tiêu chảy và không tiêm phòng đầy đủ.

5. Nguyên nhân gây trầm cảm trong thời kỳ mang thai và sau sinh là gì?
Các yếu tố làm tăng nguy cơ trầm cảm trong thời kỳ mang thai và sau sinh là: tiền sử bị trầm cảm, những biến cố căng thẳng gần đây trong cuộc sống, thiếu mạng lưới hỗ trợ xã hội, không có mối quan hệ tốt đẹp và lo lắng trong quá trình mang thai. Những phụ nữ bị trầm cảm trong quá trình mang thai sẽ có nhiều khả năng bị trầm cảm sau sinh hơn so với những người không bị trầm cảm trong quá trình mang thai. 

6. Các biện pháp điều trị hiệu quả với trầm cảm trước và sau sinh là gì?
Trầm cảm trước và sau sinh có thể điều trị hiệu quả được. Quan trọng là phát hiện và điều trị sớm. Các biện pháp điều trị đầu tiên là liệu pháp trò chuyện như Liệu pháp hành vi nhận thức (CBT) hay Liệu pháp giao tiếp (IPT). Phụ nữ mang thai hoặc đang cho con bú cần tránh dùng thuốc chống trầm cảm, nếu có thể. Nếu liệu pháp nói chuyện không hiệu quả, cần cân nhắc dùng một số loại thuốc chống trầm cảm, khởi trị bằng liều dùng thấp nhất có thể. 

Lồng ghép hỗ trợ chăm sóc sức khỏe tâm thần vào các dịch vụ chăm sóc sức khỏe bà mẹ có thể giúp phát hiện và điều trị sớm trầm cảm cho phụ nữ trước và sau sinh.

7. Có mối liên quan nào giữa biện pháp tránh thai với trầm cảm không?
Nhiều phụ nữ cho biết tâm trạng họ kém hơn trước kia sau khi bắt đầu sử dụng thuốc uống tránh thai phối hợp. Các nghiên cứu cho thấy mối liên quan giữa việc áp dụng các biện pháp tránh thai và trầm cảm là không rõ ràng nhưng không có bằng chứng cho thấy các biện pháp tránh thai này gây trầm cảm. 

Kết quả của các nghiên cứu này không nói rằng phụ nữ không nên dùng thuốc uống tránh thai phối hợp. Cần có thêm nghiên cứu để tìm hiểu mối liên quan này.

Theo hướng dẫn của WHO về sự phù hợp để áp dụng các biện pháp tránh thai thì không có giới hạn trong việc sử dụng các biện pháp nội tiết tố (viên uống, miếng dán, đặt vòng, cấy, tiêm) ở phụ nữ bị trầm cảm. Tuy nhiên, không có số liệu về các biện pháp tránh thai nội tiết tố ở phụ nữ bị rối loạn lưỡng cực hoặc trầm cảm sau sinh.  

8. Có mối liên quan gì giữa mãn kinh và trầm cảm?
Nhiều phụ nữ gặp các triệu chứng trong thời kỳ mãn kinh giống như các triệu chứng của trầm cảm, ví dụ khó ngủ, thay đổi tâm trạng và tăng cân. Thay đổi tâm trạng có thể bao gồm tâm trạng thất thường (không giống như trầm cảm), dễ tủi thân hơn và cảm thấy ít hứng thú với quan hệ tình dục. 

Bằng chứng khoa học về mối liên quan giữa trầm cảm với mãn kinh là yếu và kết quả không rõ ràng (Nicol-Smit, 1996; Freeman, 2015). Một số nghiên cứu cho thấy có sự gia tăng các triệu chứng trầm cảm ở phụ nữ ở giai đoạn chuyển tiếp mãn kinh so với giai đoạn tiền mãn kinh. Tuy nhiên, các triệu chứng này có thể là hậu quả của sự thay đổi nội tiết tố hoặc các yếu tố tâm lý, xã hội liên quan tới quá trình lão hóa và thay đổi vai trò. Cần có thêm các nghiên cứu để tìm hiểu mối tương quan giữa giai đoạn chuyển tiếp mãn kinh với trầm cảm.

IV. Thông tin về Người cao tuổi và trầm cảm

1. Trầm cảm ở người cao tuổi phổ biến như thế nào?
Tỷ lệ hiện mắc trầm cảm thay đổi theo độ tuổi, cao nhất ở người trưởng thành cao tuổi (trên 7,5% ở phụ nữ độ tuổi 55-74, và trên 5,5% ở nam giới).  

Trầm cảm hay gặp ở người cao tuổi nhưng thường bị coi nhẹ và không được điều trị, trong khi đó trầm cảm có thể gây ra sự đau khổ và suy giảm nghiêm trọng chức năng hàng ngày. Các triệu chứng trầm cảm ở người cao tuổi thường bị coi nhẹ bởi vì chúng xảy ra cùng lúc với các vấn đề khác hay gặp phải ở người cao tuổi. Ngoài ra, sự kỳ thị bệnh tâm thần có thể ngăn cản họ tìm kiếm sự giúp đỡ.

2. Các yếu tố nguy cơ đối với trầm cảm ở người cao tuổi là gì?
Trầm cảm ở người cao tuổi có liên quan tới các vấn đề thường xảy ra khi về già, chẳng hạn như: các bệnh mạn tính, tàn tật, cô đơn, các biến cố căng thẳng và suy giảm tinh thần.

Ngoài ra, các bằng chứng hiện tại cho thấy cứ 10 người cao tuổi thì có 1 người bị xâm hại. Thực trạng này dường như còn chưa được đánh giá đúng mức do người cao tuổi lo sợ khi khai báo. Sự xâm hại có thể bao gồm xâm hại về thể xác, tình dục, tâm lý, tình cảm, tài chính và vật chất, bị bỏ rơi và bị chối bỏ. Xâm hại ở người cao tuổi không những gây tổn thương về thể xác mà còn để lại nhiều hậu quả nghiêm trọng về tâm lý, đôi khi suốt đời, trong đó có trầm cảm và lo lắng.

3. Có mối liên quan gì giữa các vấn đề thể chất và sức khỏe tâm thần như trầm cảm ở người cao tuổi không?
Có, sức khỏe tâm thần có tác động đối với sức khỏe thể chất và ngược lại. Ví dụ, người cao tuổi mắc các bệnh tim mạch, tăng huyết áp, đái tháo đường hoặc đau mạn tính thường có tỷ lệ trầm cảm cao hơn so với những người có thể chất khỏe mạnh. Ngược lại, trầm cảm không được điều trị ở người cao tuổi mà bị bệnh tim có thể tác động tiêu cực tới kết quả điều trị bệnh thể chất này.

4. Có thể làm gì để cải thiện sức khỏe tâm thần ở người cao tuổi?
Những hành động cần triển khai nhằm cải thiện sức khỏe tâm thần ở người cao tuổi gồm:

• Phát hiện và điều trị sớm các rối loạn tâm thần

• Đưa nội dung đào tạo chăm sóc cho người cao tuổi vào các chương trình giáo dục đào tạo cho nhân viên y tế.

• Tăng khả năng tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi 

Tại sao sức khỏe tốt, cả sức khỏe thể chất và tâm thần, lại quan trọng ở người cao tuổi

• Dân số thế giới đang già hóa nhanh. Trong giai đoạn 2015 -2050, tỷ lệ người cao tuổi của thế giới được dự kiến sẽ tăng gần gấp đôi, từ 12% lên 22%. 

• Khi khỏe mạnh, người trên 60 tuổi có những đóng góp quan trọng cho xã hội với vai trò là thành viên của gia đình, tình nguyện viên và thành viên tích cực của lực lượng lao động. 

V. Rối loạn do sử dụng chất và trầm cảm 

1. Có mối liên quan giữa trầm cảm và rối loạn do sử dụng chất không?
Có, có mối liên quan chặt chẽ giữa trầm cảm và rối loạn cho sử dụng chất. Các rối loạn sức khỏe tâm thần như trầm cảm có thể làm gia tăng nguy cơ rối loạn do sử dụng chất, và rối loạn do sử dụng chất làm gia tăng nguy cơ trầm cảm và làm giảm hiệu quả điều trị.

2. Có mối liên quan giữa rối loạn do sử dụng chất và tự tử không?

Có, có mối liên quan giữa rối loạn do sử dụng chất và tự tử, mối liên quan mạnh mẽ nhất được ghi nhận là do ngộ độc rượu và lệ thuộc vào rượu. Theo số liệu từ một vài nghiên cứu (Borges và Cs, 2016), khoảng một phần ba số người thực hiện tự tử đã uống rượu trước khi tự tử. Rối loạn do sử dụng rượu là nguyên nhân làm gia tăng ít nhất 2-3 lần nguy cơ tự tử. Các số liệu hiện có cho thấy việc sử dụng các nhóm chất hướng thần, gồm amphetamines, cocaine và thuốc phiện, cũng có liên quan tới tăng nguy cơ tự sát.

VI. Trầm cảm trong các tình huống xung đột, hoặc sau các sự kiện khẩn cấp.

1. Trầm cảm có phải là vấn đề đối với những người sống trong tình huống xung đột hay sau các sự kiện khẩn cấp không?

Con người dễ mắc phải nhiều vấn đề sức khỏe tâm thần, trong đó có trầm cảm, trong và lâu sau các tình huống khẩn cấp. Những người mắc các chứng rối loạn tâm thần trước đây cần nhiều sự giúp đỡ hơn. Tỷ lệ trầm cảm có xu hướng cao gấp đôi so với nhóm người không bị rơi vào tình cảnh xung đột hay tình huống khẩn cấp. 

2. Những yếu tố nào dẫn tới suy giảm tinh thần và bệnh tâm thần trong các tình huống xung đột hoặc sau các sự kiện khẩn cấp?

Các hoàn cảnh như gia đình chia cách, sự an toàn cho bản thân, mất công việc mưu sinh, chật chội và thiếu sự riêng tư ở các trại, thiếu cộng đồng hoặc sự hỗ trợ truyền thống, thiếu thông tin về cấp phát lương thực và các dịch vụ cơ bản trong các tình huống xung đột hoặc sau các sự kiện khẩn cấp có thể dẫn tới sự suy sụp tâm lý (suy giảm tinh thần) và rối loạn tâm thần. 

3. Các triệu chứng của sự suy sụp là gì?

Các triệu chứng gồm: đau đầu, mệt mỏi, mất cảm giác ăn ngon miệng, đau nhức, tủi thân, buồn bã, đau khổ, lo lắng, sợ hãi, cảm giác bị giam cầm hoặc thất thường, khó ngủ, ác mộng, cáu kỉnh, tức giận, và bối rối.

4. Những người rơi vào tình cảnh này phục hồi như thế nào?

Con người sẽ dễ phục hồi nếu họ cảm thấy an toàn, được gắn kết, thanh thản và đầy hy vọng; nếu họ được tiếp cận sự hỗ trợ về mặt xã hội, thể chất và tinh thần; và nếu họ tìm được cách tự giúp mình.

5. Tổ chức Y tế Thế giới khuyến cáo gì cho những tình huống khẩn cấp cần hỗ trợ nhân đạo?

Tỷ lệ rối loạn tâm thần như trầm cảm dự báo tăng gấp đôi do các tác nhân của tình huống khẩn cấp. Luôn đảm bảo có sự giúp đỡ về tâm lý và tâm thần cho các vấn đề sức khỏe tâm thần trong tình huống khẩn cấp, là một phần của hoạt động đáp ứng sức khỏe, trong đó có trầm cảm mức độ vừa-nặng.

WHO khuyến cáo mỗi cơ sở y tế hoạt động trong lĩnh vực hỗ trợ những người sống trong tình huống khẩn cấp cần phải có ít nhất một cán bộ y tế để phụ trách đánh giá và quản lý các vấn đề sức khỏe tâm thần như trầm cảm.

WHO khuyến cáo cung cấp gói hỗ trợ tâm lý ban đầu (PFA) cho những người bị ảnh hưởng sau khủng hoảng. Gói hỗ trợ tâm lý ban đầu này gồm: Thực hành hỗ trợ và chăm sóc, không xâm phạm, đánh giá nhu cầu và mối quan tâm của người dân; giúp đáp ứng các nhu cầu cơ bản của họ (như thực phẩm và nước uống); đảm bảo sự thoải mái; và kết nối họ tới thông tin và các dịch vụ xã hội.

6. Tình huống khẩn cấp có tạo cơ hội nào không?

Tình huống khẩn cấp, mặc dù có bản chất thảm họa và tác động tiêu cực tới sức khỏe tâm thần nhưng cũng là cơ hội để xây dựng hệ thống chăm sóc sức khỏe tâm thần tốt hơn cho mọi người có nhu cầu, trong đó có những người bị trầm cảm. Tiến độ đổi mới hệ thống chăm sóc sức khỏe tâm thần trên toàn cầu sẽ diễn ra nhanh hơn nếu, trong mọi cuộc khủng hoảng, chúng ta nỗ lực biến những lợi ích trước mắt trong lĩnh vực sức khỏe tâm thần thành động lực hướng tới sự cải thiện lâu dài.

Ví dụ, trong năm 2017 tiếp cận chăm sóc sức khỏe tâm thần tại các cơ sở y tế nói chung đã tốt hơn ở nhiều nơi của Syria so với thời gian trước chiến tranh. Trước chiến tranh, dịch vụ chăm sóc sức khỏe tâm thần chỉ có ở các thành phố lớn. Trong chiến tranh, hơn 500 cán bộ y tế chăm sóc sức khỏe ban đầu đã được tập huấn và cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe tâm thần cho những những người bị trầm cảm và các rối loạn tâm thần khác ở các cơ sở chăm sóc ban đầu.

7. Có những dịch vụ nào hỗ trợ sức khỏe tâm thần cho những người bị ảnh hưởng bởi tình huống khẩn cấp?

Các chăm sóc y tế và tâm lý có thể được cung cấp thông qua các dịch vụ y tế và chăm sóc tâm lý cũng có thể được cung cấp qua các dịch vụ xã hội và trường học. WHO đã có các gói điều trị hiệu quả và đã được sử dụng bởi nhiều tổ chức nhân đạo:

Hướng dẫn can thiệp nhân đạo mhGAP (cho các dịch vụ y tế): 

http://www.who.int/mental_health/publications/mhgap_hig/en/

Quản lý vấn đề + (chăm sóc tâm lý cho các dịch vụ y tế và xã hội): 

http://www.who.int/mental_health/emergencies/problem_management_plus/en/

8. WHO cung cấp hỗ trợ sức khỏe tâm thần trong tình huống khẩn cấp như thế nào?

WHO là cơ quan hàng đầu hỗ trợ kỹ thuật về sức khỏe tâm thần trong tình huống khẩn cấp. Năm 2017, WHO đã hỗ trợ cho các dịch vụ sức khỏe tâm thần tại Cộng hòa Trung phi, Ghi-nê, I-rắc, Ly Băng, Li-bê-ri-a, Sierra Leone, Xy-ri, Thổ Nhĩ Kỳ, Bờ Tây và Dải Gaza, và Yemen.

Ở cấp toàn cầu, WHO hoạt động nhằm đảm bảo rằng hoạt động đáp ứng sức khỏe tâm thần nhân đạo được điều phối một cách hiệu quả, và đảm bảo hệ thống chăm sóc sức khỏe tâm thần sau khủng hoảng được tái thiết và duy trì.

WHO cũng phát triển và đánh giá các công cụ nhằm đáp ứng nhu cầu sức khỏe tâm thần của người dân trong các tình huống khẩn cấp. Các công cụ này gồm công cụ đánh giá, gói hỗ trợ tâm lý ban đầu, quản lý lâm sàng các rối loạn tâm thần, và khôi phục hệ thống chăm sóc sức khỏe tâm thần.

Những khuyến nghị và công cụ của WHO đã được phần lớn các tổ chức nhân đạo quốc tế hoạt động trong lĩnh vực sức khỏe tâm thần sử dụng.

Xem thêm thông tin tại http://www.who.int/mental_health/emergencies/en/

9. Hiện có nguồn lực gì để tái thiết/củng cố các dịch vụ chăm sóc sức khỏe tâm thần sau tình huống khẩn cấp?

Ấn phẩm của WHO mang tên Xây dựng lại tốt hơn: Chăm sóc sức khỏe tâm thần bền vững sau tình huống khẩn cấp, gồm các nghiên cứu trường hợp về cách thức triển khai các hoạt động này ở 10 lĩnh vực bị ảnh hưởng bởi tình huống khẩn cấp. Chi tiết xem tại: http://www.who.int/mental_health/emergencies/building_back_better/en/

VI. Suy thoái kinh tế/khó khăn tài chính và trầm cảm

1. Có mối liên quan gì giữa khó khăn kinh tế - xã hội, nghèo đói và bất bình đẳng với các vấn đề sức khỏe tâm thần?

Mối liên quan giữa khó khăn kinh tế-xã hội, nghèo đói và bất bình đẳng với các vấn đề sức khỏe tâm thần là rất rõ ràng. Cuộc khủng hoảng tài chính và kinh tế ở nhiều nước trong thập kỷ qua càng làm tăng nguy cơ đối với sự thoải mái về tinh thần của những người bị ảnh hưởng và gia đình họ.

2. Hệ lụy của các cuộc khủng hoảng kinh tế là gì?

Hệ quả của các cuộc khủng hoảng kinh tế được thể hiện ở một số cấp độ:

• Làm giảm nguồn thu của chính phủ, dẫn tới giảm chi của nhà nước cho y tế, phúc lợi xã hội và các chương trình khác;

• Làm gia tăng tỷ lệ thất nghiệp, là yếu tố nguy cơ lớn của trầm cảm, các rối loạn tâm thần khác và tự tử.  

VII. Các bệnh mạn tính và trầm cảm

1. Mối quan hệ giữa rối loạn tâm thần và các bệnh mạn tính là gì?

Các rối loạn tâm thần ảnh hưởng và bị ảnh hưởng bởi các bệnh mạn tính khác. Chúng có thể là dấu hiệu ban đầu của các bệnh khác, là hệ lụy của chúng hoặc là kết quả của các tác động mang tính tương tác nhau. Ví dụ, người bị trầm cảm và các rối loạn lo lắng có nguy cơ cao bị mắc các bệnh mạn tính khác như tăng huyết áp hoặc đái tháo đường; trầm cảm cũng làm tăng gấp đôi nguy cơ bị mắc biến cố bệnh mạch vành mới (CHD). Nói theo chiều ngược lại cũng đúng. Người bị bệnh mạch vành có nguy cơ mắc trầm cảm cao hơn gấp 3 lần so với người dân nói chung. 

Ý nghĩa thực tiễn của các mối liên quan này là những người đi khám bệnh vì các bệnh mạn tính thường có các vấn đề sức khỏe tâm thần, và những người đi khám rối loạn tâm thần thường có các bệnh mạn tính. Tuy nhiên, việc mắc đồng thời các bệnh như thế này thường chưa được quan tâm phát hiện.

2. Giải pháp nào nhằm đảm bảo điều trị mắc đồng thời bệnh mạn tính và rối loạn tâm thần?

Tiếp cận lồng ghép trong dự phòng và quản lý chăm sóc có thể giúp đảm bảo rằng người mắc cả bệnh mạn tính và rối loạn tâm thần được điều trị đầy đủ theo tình trạng của họ. 

VIII. Tự tử

1. Người bị trầm cảm có nguy cơ hành động tự tử không?

Người bị trầm cảm có nguy cơ cao hơn đối với hành vi tự tử và chết do tự tử (nguy cơ tự tử trong đời được ước tính khoảng 4% ở những người có rối loạn cảm xúc, bao gồm trầm cảm).Ý nghĩ tự tử có thể là triệu chứng của trầm cảm.

2. Có bao nhiêu người chết do tự tử mỗi năm?

Gần 800.000 người chết do tự tử mỗi năm. Tức là cứ 40 giây thì có 1 người chết do tự tử.

3. Tự tử phổ biến nhất ở đâu?

Tự tử là hiện tượng toàn cầu. Trong khi người ta cho rằng tự tử xảy ra chủ yếu ở các nước có thu nhập cao, nhưng trên thực tế, tự tử xảy ra ở tất cả các nước từ thu nhập thấp, trung bình đến cao. Thực tế là 78% trường hợp tự tử xảy ra ở các nước có thu nhập thấp và trung bình. Điều quan trọng là các quốc gia cùng chung tay giải quyết vấn đề y tế công cộng này.

4. Nhóm tuổi nào có nguy cơ tự tử cao nhất? 

Đối với cả nam giới và nữ giới ở hầu hết các khu vực trên thế giới, tỷ lệ tự tử thấp nhất ở người dưới 15 tuổi và cao nhất ở những người trên 70 tuổi. Ở một số khu vực, tỷ lệ tự tử tăng đều theo độ tuổi trong khi đó ở các khu vực khác, tỷ lệ tự tử cao nhất ở nhóm thanh nhiên và giảm xuống ở nhóm tuổi trung niên. Ở các nước có thu nhập thấp và trung bình, nữ thanh niên và phụ nữ cao tuổi có tỷ lệ tự tử cao hơn rất nhiều so với nhóm tuổi này ở các nước có thu nhập cao, trong khi đó nam trung niên ở các nước có thu nhập cao có tỷ lệ tự tử cao hơn rất nhiều so với nhóm tuổi này ở các nước có thu nhập thấp và trung bình. Ở nhóm tuổi 15-29, tự tử là nguyên nhân thứ hai gây tử vong.

5. Các hình thức tự tử phổ biến nhất ở các vùng khác nhau trên thế giới là gì?

Hình thức tự tử phổ biến nhất là uống thuốc sâu (khoảng một phần ba các trường hợp tự tử trên toàn cầu), treo cổ và dùng súng tự sát. Nói chung, tự tử bằng uống thuốc sâu phổ biến nhất ở các cộng đồng nông thôn nông nghiệp, đặc biệt ở châu Á, Trung Mỹ và châu Phi, tự tử do dùng súng tự sát phổ biến nhất ở Mỹ, và tự tử bằng hình thức treo cổ phổ biến nhất ở các nước có thu nhập cao khác. Tự sát bằng thuốc uống quá liều là nguyên nhân hàng đầu ở châu Âu.

6. Các yếu tố nguy cơ gây tự tử là gì?

Các chứng rối loạn tâm thần (đặc biệt là trầm cảm và rối loạn do sử dụng rượu) là yếu tố nguy cơ chính gây tự tử ở các nước có thu nhập cao. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp tự tử ở các nước khác, sự bốc đồng cũng đóng một vai trò quan trọng.

Tự tử là hiện tượng phức tạp, liên quan tới nhiều yếu tố như tâm lý, xã hội, sinh học, văn hóa và môi trường. Việc trải qua xung đột, thảm họa, bạo lực, xâm hại, đau đớn dai dẳng và bệnh tật, hay mất mát (chẳng hạn như về tài chính hoặc mối quan hệ), và cảm giác cô quạnh đều liên quan rất mật thiết tới hành vi tự tử. Tỷ lệ tự tử cũng cao ở các nhóm yếu thế - những người bị kỳ thị như người tị nạn và người di cư; người bản địa (người dân tộc thiểu số); đồng tính nữ, đồng tính nam, song giới và chuyển giới (LGBT); phạm nhân.

Cho tới nay, yếu tố nguy cơ cao nhất gây tự tử là có hành động tự tử trước đây.

7. Các nước có thể làm gì để giảm số trường hợp tự tử?
Các biện pháp thực hiện để ngăn ngừa tự tử bao gồm:

• Giảm sự tiếp cận tới các phương tiện tự tử;

• Các phương tiện truyền thông đưa tin phải có trách nhiệm;

• Áp dụng chính sách kiểm soát rượu bia để giảm tác hại do sử dụng rượu bia; 

• Phát hiện, điều trị và chăm sóc sớm cho người bị rối loạn tâm thần và rối loạn do sử dụng chất; 

• Đào tạo cho các cán bộ không có chuyên môn về y tế để đánh giá và quản lý hành vi tự tử;

• Chăm sóc, theo dõi người đã có hành động tự tử.

8. WHO khuyến cáo gì cho các phương tiện truyền thông khi đưa tin về tự tử, gồm cả các trường hợp tự tử của người nổi tiếng?

Các phương tiện truyền thông đóng một vai trò quan trọng trong việc đưa tin và nâng cao nhận thức về tự tử và phòng ngừa tự tử. WHO đã xây dựng tài liệu cho các nhà báo khi đưa tin về tự tử. 

Các khuyến cáo gồm: 

• Tránh sử dụng ngôn ngữ giật gân hay bình thường hóa việc tự tử;

• Tránh mô tả quá mức về phương tiện tự tử hoặc địa điểm tự tử;  

• Đặc biệt chú ý khi sử dụng ảnh, hay phóng sự bằng video; 

• Cung cấp thông tin về nơi cần tìm kiếm sự giúp đỡ.

 

 

Ban biên tập Trang thông tin điện tử - Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế
(Nguồn: WHO)



 

Admin

Tin tức liên quan

Hội nghị cộng đồng trách nhiệm, chủ động phòng chống sốt xuất huyết Dengue khu vực Tây Nguyên 2017

Ngày 15 tháng 9 năm 2017, tại Đăk Lăk, Viện Vệ sinh Dịch tễ Tây Nguyên đã tổ chức ”Hội nghị cộng đồng trách nhiệm, chủ động phòng chống sốt xuất huyết Dengue khu vực Tây Nguyên 2017” nhằm nâng cao trách nhiệm Cộng đồng và đưa ra các giải pháp để chủ động phòng chống dịch Sốt xuất huyết Dengue khu vực Tây Nguyên những tháng cuối năm trước tình hình dịch sốt xuất huyết diễn biến phức tạp trong cả nước.

Xem chi tiết Next

Khuyến cáo chủ động phòng chống dịch mùa mưa lũ

Sau mưa lũ, rất nhiều nguy cơ dịch bệnh có thể bùng phát đe dọa sức khỏe cộng đồng. Những dịch bệnh phổ biến trong mùa mưa lũ như: sốt xuất huyết, sốt rét, tay chân miệng, các bệnh đường tiêu hóa như tả, lỵ, thương hàn, tiêu chảy, bệnh nước ăn chân, cảm cúm, đau mắt đỏ,…

Xem chi tiết Next

Khai giảng và hội thảo định hướng đào tạo dịch tễ học thực địa khóa 8

Trong hai ngày 06 và 07 tháng 6, năm 2017, Ban quản lý chương trình Đào tạo dịch tễ học Việt Nam (FETP) đã tổ chức khai giảng và hội thảo định hướng cho các học viên và giám sát viên khóa 8. Năm nay Chương trình FETP đã tuyển chọn được 7 học viên đào tạo hình thức dài hạn không tập trung đến từ các Viện khu vực, Trung tâm y tế dự phòng tuyến tỉnh, các bệnh viện tuyến trung ương, Trường Đại học Y và Cục Quân y.

Xem chi tiết Next
Thong ke