Tin tức

Tin tức

​THÔNG TIN BÁO CHÍ Hưởng ứng Ngày Sức khỏe thế giới 07/4/2017

07/04/2017 In bài viết

_

THÔNG TIN BÁO CHÍ
Hưởng ứng Ngày Sức khỏe thế giới 07/4/2017 

Ngày Sức khỏe thế giới được tổ chức vào ngày 7 tháng 4 hằng năm, ngày đánh dấu sự ra đời của Tổ chức Y tế thế giới, để nâng cao nhận thức về sức khỏe trên toàn cầu và là cơ hội huy động xã hội hành động về một chủ đề sức khỏe cụ thể được toàn thế giới quan tâm. Ngày Sức khỏe Thế giới năm 2017 chủ đề “Phòng, chống trầm cảm” được chọn nhằm mục đích nâng cao nhận thức của toàn xã hội về gánh nặng trầm cảm, xóa bỏ kỳ thị đối với rối loạn tâm thần nói chung, trầm cảm nói riêng và cách thức đơn giản, hiệu quả để dự phòng và giúp vượt qua trầm cảm, hướng tới Mục tiêu phát triển bền vững (SDG 3): Bảo đảm cuộc sống khỏe mạnh và hạnh phúc cho mọi người.

Hưởng ứng Ngày Sức khỏe thế giới năm nay tại Việt Nam, Bộ Y tế phối hợp với Tổ chức Y tế thế giới tổ chức các hoạt động với chủ đề “Hãy cùng trò chuyện để phòng chống trầm cảm”.

Thực trạng rối loạn trầm cảm tại Việt Nam:
Trầm cảm là một rối loạn tâm thần thường gặp, là nguyên nhân hàng đầu gây ra gánh nặng tàn tật, làm cho hàng triệu người bị giảm hoặc mất sức lao động tại Việt Nam. Tổ chức Y tế thế giới ước tính năm 2015 Việt Nam có khoảng 3.564.000 người bị rối loạn trầm cảm, chiếm 4,0% dân số. Tất cả mọi người đều có thể mắc trầm cảm, tuy nhiên rối loạn này xảy ra ở nữ giới nhiều hơn so với nam giới. Có 3 nhóm tuổi có tỷ lệ mắc cao hơn là học sinh và thanh thiếu niên, phụ nữ trước và sau sinh và người cao tuổi. Trầm cảm luôn nằm trong 10 nguyên nhân hàng đầu gây gánh nặng bệnh tật ở mọi nhóm tuổi, kể cả nhóm dưới 15 tuổi. Theo kết quả nghiên cứu năm 2008 ở Việt Nam, gánh nặng bệnh tật do trầm cảm đo bằng DALY (số năm sống điều chỉnh theo mức độ bệnh tật) chiếm tới 12% tổng gánh nặng bệnh tật ở nữ giới. Trầm cảm cũng là nguyên nhân hàng đầu gây ra gánh nặng tàn tật ở nữ giới  - chiếm tới 29% tổng số năm sống với khuyết tật do mọi nguyên nhân (đo bằng YLD) và nguyên nhân thứ hai gây gánh nặng tàn tật ở nam giới - chiếm tới 11% YLD.

Nguyên nhân và biểu hiện của trầm cảm:
Trầm cảm gây ra bởi nhiều yếu tố xã hội, tâm lý và sinh học, thường xảy ra ở những người bị stress sau khi gặp phải vấn đề khó khăn trong cuộc sống như thất nghiệp, mất người thân, đổ vỡ quan hệ, mâu thuẫn gia đình, thất bại trong học tập, khủng hoảng tinh thần… hoặc sau khi mắc một số bệnh, đặc biệt là các bệnh nặng, bệnh mạn tính như ung thư, đái tháo đường, tim mạch, đột quỵ...
Người bị trầm cảm điển hình có biểu hiện buồn chán dai dẳng, mệt mỏi, giảm hoặc mất sự quan tâm, thích thú với những hoạt động thường thích làm, kèm theo không có khả năng thực hiện các công việc hàng ngày, thời gian kéo dài từ hai tuần trở lên. Trầm cảm không được chữa trị sẽ trở thành vấn đề sức khoẻ nghiêm trọng, ảnh hưởng rất nhiều đến khả năng làm việc, học tập và cuộc sống hằng ngày.
Trong trường hợp xấu nhất, trầm cảm có thể dẫn đến tự tử. Nghiên cứu cho thấy người trầm cảm có nguy cơ tự tử cao gấp 25 lần so với người khác (nguy cơ tự tử trong đời người trầm cảm là 4%).3 Trên 50% số ca tự tử có rối loạn trầm cảm. Trên thế giới mỗi năm có gần 800.000 người chết vì tự tử và đây là nguyên nhân thứ hai gây tử vong ở độ tuổi 15-29. Còn ở Việt Nam ước tính mỗi năm có gần 5000 người tử vong do tự tử.

Các biện pháp phòng, chống trầm cảm:
Năm 2013, Đại hội đồng y tế thế giới đã thông qua Kế hoạch hành động toàn cầu về chăm sóc sức khỏe tâm thần giai đoạn 2013-2020, đồng thời kêu gọi các quốc gia thành viên xây dựng kế hoạch, chiến lược quốc gia để phòng, chống các rối loạn tâm thần nói chung và trầm cảm nói riêng.
Trong thời gian qua, công tác chăm sóc sức khỏe tâm thần tại Việt Nam đã từng bước được quan tâm đầu tư. Dự án bảo vệ sức khỏe tâm thần tại cộng đồng đã được đưa vào Chương trình mục tiêu y tế quốc gia. Năm 2011, Thủ tướng Chính phủ cũng đã ký Quyết định số 1215/QĐ-TTg phê duyệt Đề án trợ giúp xã hội và phục hồi chức năng cho người tâm thần, người rối nhiễu tâm trí dựa vào cộng đồng giai đoạn 2011 – 2020. Tuy nhiên hoạt động phòng, chống trầm cảm hiện nay mới bước đầu được triển khai tại một số địa phương, vì vậy hầu hết những người mắc trầm cảm trong cộng đồng vẫn chưa được phát hiện, chưa được quản lý điều trị và tư vấn, chăm sóc đầy đủ, đồng thời đa số người dân còn chưa có hiểu biết  đúng về bệnh này dẫn đến kỳ thị, phân biệt đối xử với người rối loạn trầm cảm.
Phòng, chống trầm cảm cần thiết là một nội dung ưu tiên của chương trình chăm sóc sức khỏe tâm thần ở Việt Nam, trong đó tập trung vào nhóm nguy cơ cao như phụ nữ, nhất là phụ nữ trước và sau sinh, người cao tuổi và thanh thiếu niên. Để dự phòng và kiểm soát trầm cảm hiệu quả, cần  tiếp tục tăng cường các giải pháp sau: (1) Đẩy mạnh hoạt động truyền thông giáo dục sức khỏe, làm cho người dân có nhận thức đúng về trầm cảm, cách nhận biết, phát hiện sớm để đi khám, tư vấn và điều trị kịp thời; hỗ trợ, giúp đỡ, tạo môi trường để hòa nhập và không kỳ thị, phân biệt đối xử với người có rối loạn trầm cảm; (2) Phối hợp triển khai các chính sách, chương trình nâng cao sức khỏe tâm thần phù hợp với các nhóm đối tượng khác nhau thông qua các mô hình trường học nâng cao sức khỏe, tăng cường kỹ năng sống, câu lạc bộ sức khỏe người cao tuổi và chương trình tăng cường hoạt động thể lực cho người dân; (3) Tăng cường năng lực hệ thống y tế tuyến cơ sở, đồng thời đầu tư phát triển các cơ sở chuyên khoa tâm thần, lồng ghép phù hợp công tác chăm sóc sức khỏe tâm thần vào hoạt động của các cơ sở y tế đa khoa, chuyên khoa, chuyên ngành khác ở tất cả các tuyến để cung cấp các dịch vụ dự phòng, phát hiện sớm, quản lý, tư vấn, chăm sóc cùng với phát triển các dịch vụ tâm lý trị liệu, phục hồi chức năng và hỗ trợ xã hội cho người rối loạn trầm cảm ở cộng đồng.
Công tác phòng, chống trầm cảm nói riêng và chăm sóc sức khỏe tâm thần nói chung không phải của riêng ngành y tế vì nó liên quan đến các yếu tố kinh tế, xã hội, môi trường, đòi hỏi vai trò và trách nhiệm của các ngành và lĩnh vực khác, trong đó truyền thông nâng cao nhận thức cộng đồng có vai trò thiết yếu. Hưởng ứng Ngày sức khỏe thế giới năm nay, Bộ Y tế đề nghị các ban ngành đoàn thể, tổ chức xã hội, đặc biệt là các cơ quan truyền thông, phóng viên các báo đài tích cực phối hợp và đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền để cộng đồng không kỳ thị, phân biệt đối xử với người trầm cảm và tích cực chia sẻ, giúp đỡ, hỗ trợ người bệnh; đồng thời vận động cộng đồng xã hội cùng chung tay phòng, chống trầm cảm, chăm sóc sức khỏe tâm thần, góp phần bảo vệ và nâng cao sức khỏe nhân dân.
Mỗi cá nhân có thể phòng ngừa trầm cảm bằng cách thực hiện lối sống cân bằng như nghỉ ngơi và ngủ điều độ, chế độ ăn cân đối và tập luyện thể dục thể thao thường xuyên. Được bảo vệ không bị bạo lực, xâm hại và mất mát cũng giúp phòng ngừa trầm cảm. Trầm cảm thể nhẹ có thể điều trị khỏi mà không dùng thuốc, có thể được các bác sĩ không chuyên khoa chẩn đoán và điều trị tại tuyến chăm sóc sức khoẻ ban đầu. Chăm sóc chuyên khoa là cần thiết cho các trường hợp trầm cảm phức tạp.

Khuyến cáo đối với cộng đồng:

1. Trầm cảm không phải là dấu hiệu của sự yếu đuối. Bất kỳ ai cũng có thể mắc trầm cảm.
2. Để dự phòng trầm cảm: Bạn hãy TRÒ CHUYỆN với mọi người bởi vì trò chuyện là một trong những biện pháp đơn giản nhất để phòng và điều trị trầm cảm.
3. Nếu bạn nghĩ rằng mình bị trầm cảm: Hãy tích cực giao tiếp với mọi người, hãy chia sẻ với ai đó mà bạn tin cậy về cảm giác và suy nghĩ của mình. Bạn hãy tiếp tục làm việc, tích cực tập luyện thể dục thể thao, đồng thời tránh sử dụng đồ uống có cồn và các chất gây nghiện.
4. Khi cần trợ giúp chuyên môn: Hãy đến cơ sở y tế gần nhất để được cán bộ y tế hướng dẫn, tư vấn về sức khỏe.

Các hoạt động hưởng ứng Ngày Sức khỏe thế giới năm nay được tổ chức tại một trường học trong ngày 07/4/2017 gồm: (1) Mít tinh, chương trình văn nghệ, đồng diễn thể dục của học sinh để chuyển tải thông điệp hãy tăng cường hoạt động thể lực, gắn kết, chia sẻ, trò chuyện để phòng chống trầm cảm; (2) Hội thảo cung cấp thông tin cho báo chí để tăng cường truyền thông vận động xã hội, nâng cao nhận thức của cộng đồng về gánh nặng của trầm cảm và các biện pháp phòng, chống.
 

Địa chỉ liên hệ để có thông tin chi tiết về Ngày Sức khỏe thế giới:
* Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế (ThS Trần Quốc Bảo; ĐT: 0912170778)
Địa chỉ: Số 135 Núi Trúc, Ba Đình, Hà Nội;
Email: kln.skth@gmail.com; Website: http://vncdc.gov.vn                     

* Văn phòng Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam
Địa chỉ: 304 Kim Mã, Hà Nội; Điện thoại: +84 (0) 4 38 500 294;
Website: http://www.wpro.who.int/vietnam/vi/

* Bệnh viện Tâm thần Trung ương I (TS. Tô Thanh Phương; ĐT: 0982612161)
Địa chỉ: Hoà Bình, Thường Tín, Hà Nội;  
ĐT: 04.33853.227 ;  Website: http://www.bvtttw1.gov.vn
 
Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế

Admin

Tin tức liên quan

Khuyến cáo chủ động phòng chống dịch mùa mưa lũ

Sau mưa lũ, rất nhiều nguy cơ dịch bệnh có thể bùng phát đe dọa sức khỏe cộng đồng. Những dịch bệnh phổ biến trong mùa mưa lũ như: sốt xuất huyết, sốt rét, tay chân miệng, các bệnh đường tiêu hóa như tả, lỵ, thương hàn, tiêu chảy, bệnh nước ăn chân, cảm cúm, đau mắt đỏ,…

Xem chi tiết Next

Bộ Y tế trao tặng Kỷ niệm chương “Vì sức khỏe nhân dân” cho TS. Masaya Kato

Chiều ngày 18/9/2017, Bộ Y tế đã long trọng tổ chức lễ trao Kỷ niệm chương “Vì sức khoẻ nhân dân” cho TS. Masaya Kato, Điều phối trưởng nhóm bệnh lây nhiễm, Văn phòng WHO tại Việt Nam.

Xem chi tiết Next

Hội nghị cộng đồng trách nhiệm, chủ động phòng chống sốt xuất huyết Dengue khu vực Tây Nguyên 2017

Ngày 15 tháng 9 năm 2017, tại Đăk Lăk, Viện Vệ sinh Dịch tễ Tây Nguyên đã tổ chức ”Hội nghị cộng đồng trách nhiệm, chủ động phòng chống sốt xuất huyết Dengue khu vực Tây Nguyên 2017” nhằm nâng cao trách nhiệm Cộng đồng và đưa ra các giải pháp để chủ động phòng chống dịch Sốt xuất huyết Dengue khu vực Tây Nguyên những tháng cuối năm trước tình hình dịch sốt xuất huyết diễn biến phức tạp trong cả nước.

Xem chi tiết Next
Thong ke