Tin tức

Tin tức

​Nghỉ hè, báo động tình trạng trẻ đuối nước

11/06/2019 In bài viết

Dù mới bước vào đầu kỳ nghỉ hè nhưng thời gian gần đây, tại nhiều địa phương nước ta liên tiếp xảy ra các vụ tử vong tập thể ở trẻ nhỏ, học sinh do đuối nước đã gây cảnh tang thương cho nhiều vùng nông thôn yên bình và trở thành nỗi ám ảnh đối với các bậc phụ huynh về nguy cơ mất an toàn ở trẻ mỗi khi hè đến.
Dù mới bước vào đầu kỳ nghỉ hè nhưng thời gian gần đây, tại nhiều địa phương nước ta liên tiếp xảy ra các vụ tử vong tập thể ở trẻ nhỏ, học sinh do đuối nước đã gây cảnh tang thương cho nhiều vùng nông thôn yên bình và trở thành nỗi ám ảnh đối với các bậc phụ huynh về nguy cơ mất an toàn ở trẻ mỗi khi hè đến.

Trong khi đó, nhận thức xã hội và người dân về phòng chống đuối nước còn hạn chế, nhất là các bậc phụ huynh.

Mới đây, một vụ tử vong tập thể do đuối nước rất thương tâm vừa xảy ra tại thị trấn Tân Hiệp, huyện Tân Hiệp, tỉnh Kiên Giang. Theo đó, chiều 4/6, trong lúc đi ngang công trình xây dựng khu du lịch sinh thái của ông V.V.C – Bí thư Đảng ủy xã Thạnh Đông, người dân phát hiện 3 cháu nhỏ (từ 5-7 tuổi) đuối nước trong hồ sâu khoảng 1,5m đang đào dở dang có nước mưa ngập khoảng một nửa. Ngay lập tức, mọi người mở hàng rào lao vào cứu rồi đưa cả 3 cháu đi bệnh viện nhưng rất tiếc cả 3 cháu đã tử vong. Đáng buồn là khu đất dự kiến xây khu du lịch sinh thái này có rào chắn và khu vực hồ nước có biển cảnh báo, chữ màu đỏ ghi “Đìa sâu, cấm vào!” nhưng tang thương vẫn xảy ra.
 

Chỉ trước đó ít hôm, ngày 30/5, tại huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An, một vụ tử vong tập thể ở học sinh do đuối nước cũng xảy ra đã gây rúng động cả một vùng quê yên bình. Vào trưa cùng ngày, sau khi tổ chức liên hoan để nghỉ hè, một nhóm gồm 15 học sinh lớp 8A của Trường THCS Trung Thành (xã Trung Thành, huyện Yên Thành) đã rủ nhau đến hồ thủy lợi Trại Xanh ở xã Bắc Thành, H. Yên Thành để tắm. Trong lúc nhóm học sinh đang tắm thì có 5 em (gồm 4 nữ, 1 nam) bị trượt chân xuống khu vực nước sâu trong hồ nên chới với kêu cứu. Phát hiện bạn gặp nạn, những em còn lại chạy lên bờ tìm người lớn đến cứu nhưng khi người dân địa phương đến nơi thì không kịp, cả 5 em nhỏ đã bị chìm dưới hồ… Trao đổi với báo chí, lãnh đạo xã Bắc Thành cho biết: Hồ Trại Xanh không lớn, tuy nhiên trong lòng hồ có một số chỗ khá sâu. Do các cháu không biết bơi, khi bị trượt chân xuống chỗ sâu đã hoảng loạn, sau đó cố bấu víu vào nhau nên cùng bị đuối nước.

Dù mới chỉ bước vào đầu hè nhưng 2 vụ tử vong tập thể do đuối nước nói trên đã không chỉ biến những vùng quê yên bình thành nơi tang thương mà còn tiếp tục gióng lên hồi chuông cảnh báo về nguy cơ mất an toàn đối với trẻ em trong dịp hè. Đáng ngại hơn, thời gian gần đây, các vụ đuối nước tập thể xảy ra ở các vùng nông thôn ngày càng nhiều, mà nạn nhân là những em học sinh còn khoác trên mình áo trắng học đường như ở Hòa Bình là 8 học sinh, Thanh Hóa 4 học sinh, Khánh Hòa 3 học sinh và riêng tại Nghệ An, chỉ tính từ đầu năm 2019 đến nay đã xảy ra hàng chục vụ đuối nước làm ít nhất 30 học sinh tử vong…

Theo một số chuyên gia về bảo vệ, chăm sóc trẻ em, nhận thức xã hội và người dân về phòng chống đuối nước còn hạn chế, nhất là các bậc phụ huynh. Sự giám sát, chăm sóc trẻ ở vùng nông thôn và vùng kinh tế khó khăn chưa được quan tâm nhiều. Chính vì nhiều người lớn không hiểu điều đó nên không rèn luyện, hướng dẫn cho con trẻ biết bơi hoặc có kỹ năng để xử lý dẫn đến những vụ đuối nước thương tâm. Cùng với đó, việc tuyên truyền, giáo dục về kiến thức và các kỹ năng ứng phó và ngăn ngừa đuối nước cho trẻ em chúng ta cũng chưa làm được tốt và thường xuyên.

Thậm chí, nhiều trẻ em biết bơi nhưng vẫn chết đuối bởi các em không được trang bị kỹ năng mềm phòng chống đuối nước nên chính các nạn nhân đã gặp phải những rủi ro đau lòng. Trong khi đó, môi trường sống xung quanh trẻ em còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ không an toàn, hệ thống sông ngòi, ao, hồ chằng chịt. Nhiều ngôi nhà, trường học, đường giao thông, nơi vui chơi gần sông ngòi, ao, hồ nhưng không có rào chắn hay biển báo nguy hiểm. Đây chính là sự chủ quan và trách nhiệm của những người lớn khi chưa tạo dựng được môi trường sống, học tập, vui chơi cho trẻ thực sự an toàn.

Để không còn những đứa trẻ vô tội thiệt mạng do đuối nước, mới đây, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam – Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về trẻ em đã yêu cầu các cấp, các ngành nghiêm túc chấp hành Chỉ thị của Thủ tướng về phòng, chống tai nạn, thương tích và đuối nước cho học sinh, đưa phong trào học bơi, phòng chống đuối nước có bước phát triển tốt hơn. Tạo chuyển biến tốt để giảm thiểu số người bị đuối nước hàng năm ở Việt Nam, đầu tiên là bằng mức trung bình của ASEAN, sau đó là của thế giới.

Cùng với đó, những người làm cha làm mẹ phải nâng cao hơn nữa trách nhiệm trong việc bảo vệ, giám sát trẻ nhỏ. Đồng thời, các cơ quan chức năng và báo chí cần đẩy mạnh tuyên truyền đến các bậc phụ huynh, cần giám sát và quản lý con em mình trong thời gian nghỉ hè. Phối hợp với Đoàn thanh niên, các tổ chức xã hội, trường học để tổ chức các hoạt động sinh hoạt hè bổ ích cho trẻ cũng như giám sát trẻ để giảm nguy cơ dẫn đến đuối nước.
                   “Ban biên tập Trang thông tin điện tử, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế”

Admin

Tin tức liên quan

Các bệnh thường gặp ở trẻ trong và sau Tết

Dịp Tết, cả gia đình có thể thư giãn, đi chơi, đi du lịch. Tuy nhiên, trong thời gian này, sinh hoạt thay đổi, ăn uống không đảm bảo dinh dưỡng và vệ sinh, đi chơi nhiều… khiến bé rất dễ bị bệnh, nhất là bệnh về tiêu hoá và hô hấp.

Xem chi tiết Next

​Phòng bệnh truyền qua thực phẩm do ký sinh trùng trong mùa hè

Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế khuyến cáo, bệnh truyền qua thực phẩm do ký sinh trùng là nhóm bệnh khá phổ biến, liên quan chặt chẽ đến phong tục, tập quán, thói quen ăn uống như ăn tiết canh, gỏi sống, rau sống, các loại đồ ăn, thức uống chưa được đun sôi, nấu kỹ.

Xem chi tiết Next

4 biện pháp chủ yếu phòng bệnh tăng huyết áp

Tăng huyết áp (THA) là bệnh lý tim mạch nguy hiểm được xem như “kẻ giết người thầm lặng” vì toàn bộ sự tiến triển của bệnh thường diễn ra âm thầm không có triệu chứng cảnh báo trước, nhưng lại là một bệnh lý nguy hiểm.

Xem chi tiết Next

Phòng chống đột quỵ, sốc nhiệt ngày nắng nóng

Các chuyên gia y tế cảnh báo, sốc nhiệt do nắng nóng gay gắt có thể gây ra đột quỵ rất nguy hiểm, tỷ lệ tử vong cao, tương đương với đột quỵ do tim hoặc đột quỵ do não.

Xem chi tiết Next
Thong ke