Tổng hợp nội dung trả lời phỏng vấn của PGS.TS Trần Đắc Phu với PV cơ quan báo chí đầu năm 2015)
PHÒNG CHỐNG DỊCH CẦN CHỦ ĐỘNG, KỊP THỜI, KIÊN QUYẾT, HIỆU QUẢ VÀ TRUYỀN TẢI ĐẦY ĐỦ THÔNG TIN TỚI NGƯỜI DÂN
(Tổng hợp nội dung trả lời phỏng vấn của PGS.TS Trần Đắc Phu với PV cơ quan báo chí đầu năm 2015)
Năm 2014 đã qua với những diễn biến phức tạp về dịch bệnh, ông nhìn nhận gì về công tác phòng chống dịch tại Việt Nam trong năm qua, trên phương diện của nhà quản lý lẫn vai trò của một chuyên gia phòng chống dịch?
Trong năm 2014, tình hình dịch bệnh trên thế giới diễn biến hết sức phức tạp, nhiều dịch bệnh mới nổi và nguy hiểm phát sinh, gia tăng đột biến tại nhiều nước trên thế giới. Mặc dù dịch bệnh Ebola xuất hiện trên thế giới từ năm 1976 nhưng năm nay bùng phát mạnh mẽ nên Tổ chức Y tế thế giới đã công bố tình trạng khẩn cấp đối với sức khỏe cộng đồng. Bệnh sởi ghi nhận ở 175/194 quốc gia và vùng lãnh thổ. Cúm A(H7N9) tiếp tục có số mắc cao và diễn biến phức tạp tại Trung Quốc. Dịch MERS-CoV, bại liệt, dịch hạch, …có nguy cơ bùng phát mạnh trở lại sau một thời gian tạm lắng xuống. Còn đối với trong nước, một bệnh dịch lưu hành có nguy cơ bùng phát mạnh nếu không có biện pháp ngăn chặn kịp thời như sốt xuất huyết, tay chân miệng... Nguyên nhân là do sự biến đổi của các tác nhân gây bệnh, vấn đề ô nhiễm môi trường, vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường yếu kém, đô thị hóa, biến đổi khí hậu… đặc biệt sự giao lưu đi lại của người dân ngày càng rộng rãi tạo điều kiện cho dịch bệnh nhanh chóng lan truyền từ vùng này sang vùng khác.
Nhận định về kết quả phòng chống dịch nhận thấy rằng quả thực là rất vất vả, nhưng cũng đã đạt được kết quả quan trọng, đồng thời cũng rút ra được những kinh nghiệm, bài học cần phải có giải pháp tích cực cho những năm tới. Trước tiên là việc khống chế không cho sự xâm nhập của dịch bệnh Ebola , MERS-CoV, dịch hạch xâm nhập vào Việt Nam. Dịch cúm A(H7N9) bùng phát mạnh ở Trung Quốc 2 vụ dịch liên tiếp, thậm chí có cả ở tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc) giáp biên giới nước ta, song chúng ta cũng chưa ghi nhận trường hợp mắc bệnh…Các dịch bệnh lưu hành trong nước như cúm A(H5N1), sốt xuất huyết, tay chân miệng, sốt rét, dại...đều có số mắc và tử vong giảm đáng kể so với giai đoạn 2006 - 2013. Việt Nam tiếp tục giữ vững thành quả thanh toán bại liệt và loại trừ uốn ván sơ sinh.
Tuy vậy, trong năm vừa qua, chúng ta cũng đã ghi nhận sự gia tăng về số mắc, tử vong liên quan đến sởi do sự tích lũy số trẻ không có miễn dịch sởi trong nhiều năm tại cộng đồng, đặc biệt tại một số địa phương có tỷ lệ tiêm phòng vắc xin sởi thấp không đạt tỷ lệ bao phủ trên 95% ở quy mô xã, phương tạo vùng "lõm" về tiêm chủng tại các khu vực vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số; còn xảy ra tình trạng lây chéo tại một số bệnh viện do chưa làm tốt việc cách ly bởi sự quá tải và tâm lý người dân muốn chuyển bệnh nhân lên tuyến trên. Một số dịch bệnh vẫn ghi nhận sự gia tăng cục bộ tại một số địa phương do điều kiện vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm còn nhiều bất cập cũng như việc di biến động dân cư tại một số thành phố lớn, các khu công nghiệp. Còn đối với nội dung phóng viên có hỏi cá nhân tôi về tư duy và trách nhiệm của nhà quản lý và nhà khoa học về công tác phòng chống dịch, tôi cho rằng phòng chống dịch là một hoạt động đòi hỏi có tính khoa học kỹ thuật cao. Nếu không có nền khoa học, y khoa tốt thì chúng ta không thể chẩn đoán xác định dịch và đưa ra các biện pháp phòng chống dịch một cách chính xác, kịp thời và hiệu quả được. Nhưng rõ ràng quản lý đóng vai trò hết sức quan trọng. Quản lý đã tác động đến toàn hệ thống, chỉ đạo và huy động toàn hệ thống tham gia vào công tác phòng chống dịch, quản lý chỉ đạo và thúc đẩy khoa học phòng chống dịch được áp dụng và triển khai có hiệu quả. Tôi cũng phải nói rằng quản lý tốt để xác định trách nhiệm nhưng đồng thời khơi dậy sự quyết tâm của cá nhân, cộng đồng tham gia phòng chống dịch.
Bài học nào ngành y tế rút ra được sau một năm đối mặt với nhiều dịch bệnh?
Trong quá trình triển khai các biện pháp phòng chống dịch bệnh, Bộ Y tế cũng thường xuyên tự đánh giá, rút kinh nghiệm nhằm làm tốt hơn nhiệm vụ của mình, trong đó việc chủ động giám sát, phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh từ các cửa khẩu quốc tế và tại cộng đồng. Khi phát hiện thấy ca bệnh phải xử lý ngay, triệt để không để lây lan là hết sức quan trọng. Ví dụ trong năm vừa qua, tại TP. Hà Nội khi phát hiện ổ dịch sốt xuất huyết tại phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy đã triển khai quyết liệt các hoạt động phòng chống dịch ngay khi phát hiện ca bệnh đầu tiên nên trong vòng một tuần ổ dịch này đã được khống chế hoàn toàn, dịch không bùng phát rộng như những năm trước. Tại một số huyện miền núi sau khi phát hiện có dịch sởi, hệ thống y tế từ tỉnh đến cơ sở đã triển khai ngay các biện pháp phòng chống dịch ngay cả ngày Tết nguyên đán nên dịch không bùng phát mạnh ra các vùng xung quanh. Như vậy, việc phòng chống dịch cần phải quyết liệt và triệt để ngay từ những ca bệnh đầu tiên sẽ tạo được hiệu quả lớn không để dịch lây lan tại cộng đồng. Công tác truyền thông đóng vai trò hết sức quan trọng để người dân chủ động tham gia các hoạt động phòng bệnh như khai báo khi có dịch, thực hiện tốt việc vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm, và đưa trẻ đi tiêm chủng phòng bệnh đầy đủ, đúng lịch từ đó góp phần quan trọng trong việc loại trừ các yếu tố nguy cơ gây bệnh cũng như không để bùng phát dịch trong cộng đồng. Một yếu tố cũng hết sức quan trọng trong công tác phòng chống dịch bệnh đó là sự vào cuộc của chính quyền các cấp trong việc chỉ đạo, điều hành cũng như đảm bảo đủ kinh phí cho công tác phòng chống dịch bệnh tại địa phương, việc chỉ đạo cần phải quyết liệt và tạo được sự phối hợp chặt chẽ của các ban, ngành, tổ chức chính trị, chính trị - xã hội liên quan để triển khai một cách đồng bộ các biện pháp phòng chống dịch bệnh, giảm thiểu những tác động của các bệnh dịch. Việc tham mưu các biện pháp phòng chống dịch là ngành Y tế, còn chỉ đạo điều hành triển khai các biện pháp phòng chống dịch là trách nhiệm của chính quyền các cấp. Nơi nào được chính quyền quan tâm chỉ đạo quyết liệt nơi đó dịch bệnh nhanh chóng được khống chế và dập tắt kịp thời.
Ngày càng có nhiều dịch bệnh lạ, nguy hiểm nên vấn đề không chỉ là chống mà phải phòng, vậy làm thế nào để phòng được hiệu quả, thưa ông?
Theo tôi, việc phòng và chống dịch bệnh phải được thực hiện một cách hài hòa và đồng bộ, trong chống có phòng và trong phòng phải có giải pháp sẵn sàng chống nếu có dịch xảy ra. Công tác phòng chống dịch cần phải thực hiện một cách chủ động, tích cực và hiệu quả. Trong bối cảnh hiện nay, dịch bệnh có từ bên ngoài có thể xâm nhập vào nước ta bất kỳ lúc nào. Hiện nay dịch bệnh từ các quốc gia xa xôi nhất có thể theo người nhập cảnh, hàng hóa, phương tiện vào Việt Nam trong vòng 24 giờ. Trong nước cũng vậy, dịch có thể xâm nhập từ miền Nam ra miền Bắc cũng như ngược lại chỉ vòng vài tiếng đồng hồ. Việc giám sát chặt chẽ dịch bệnh, nắm bắt thông tin kịp thời, phát hiện ca bệnh đầu tiên tiến hành điều tra, khoanh vùng và xử lý ngay để dịch không lan ra diện rộng trên cơ sở có hệ thống giám sát và triển khai các hoạt động phòng chống dịch có đầy đủ năng lực. Mỗi bệnh dịch có một đặc điểm riêng, áp dụng các biện pháp phòng chống dịch một cách phù hợp mới mang lại hiệu quả được. Bệnh nào là sử dụng vắc xin, bệnh nào diệt véc tơ (muỗi, bọ chét…), bệnh nào thực hiện đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm…việc phòng chống phải dựa trên sự tham gia mạnh mẽ của chính quyền các cấp và huy động cả cộng đồng. Về lâu dài là phải giải quyết tốt được vấn đề vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm, nâng cao các ý thức, giáo dục người dân thay đổi hành vi phòng bệnh, thay đổi tập quán, cách sống lạc hậu đảm bảo phòng bệnh chủ động. Khi có dịch xảy ra cả cộng đồng phải chung tay phòng chống dịch. Đồng thời Nhà nước có chính sách để hệ thống y tế nói chung và y tế dự phòng nói riêng có đủ năng lực để tham mưu và triển khai tốt các hoạt động phòng chống dịch.
Ông nghĩ gì về ý kiến: Ngành y tế cần công khai thông tin khi có dịch bệnh để tránh việc thông tin sai lệch, đặc biệt trong bối cảnh thông tin mạng chính thống và mạng xã hội nhiều như hiện nay?
Tôi cho rằng phải công khai, minh bạch về tình hình dịch bệnh, việc công khai và cập nhật tình hình dịch bệnh sẽ giúp người dân, cộng đồng chủ động hơn trong việc thực hiện các biện pháp phòng chống dịch; tuy nhiên việc truyền tải thông tin như thế nào là rất quan trọng. Nếu việc đưa thông tin không có tính định hướng tốt hoặc thông tin không chính xác thì nó lại trở thành trở ngại, làm người dân quá lo lắng hoặc không huy động được sự tham gia của cộng đồng vào các hoạt động phòng chống dịch bệnh, có vấn đề không chỉ dừng lại ở khía cạnh sức khỏe mà ảnh hưởng cả đến đời sống người dân, an sinh xã hôi, phát triển kinh tế…. Ví dụ nếu chúng ta chỉ đưa quá nhiều thông tin về phản ứng có thể có của vắc xin (những phản ứng thường có đã được khuyến cáo bởi Tổ chức Y tế thế giới hoặc nhà sản xuất) mà không đưa thông tin có lợi rất lớn của vắc xin đó để phòng bệnh khiến cả cộng đồng không đi tiêm chủng, hậu quả là dịch bệnh sẽ bùng phát. Nếu mỗi khi có dịch cúm gia cầm chỉ có tại một địa phương mà chúng ta truyền thông không tốt dẫn tới người dân cả nước tẩy chay thực phẩm gia cầm, thực sự ảnh hưởng rất lớn đời sống người dân và có thể ảnh hưởng tới an sinh xã hội. Để làm tốt việc này, cần có sự tham gia ủng hộ tích cực của các cơ quan truyền thông, trong đó ngành y tế đóng vai trò là người cung cấp thông tin một cách chính xác, đầy đủ và kịp thời.
Báo chí được coi là phương tiện truyền tải thông tin từ nhà quản lý đến người dân hiệu quả nhất. Tuy nhiên có những thời điểm sự phối hợp giữa truyền thông và ngành y tế chưa thực sự chặt chẽ. Theo ông để giải quyết vấn đề này cần những yếu tố nào?
Công tác truyền thông trong thời gian đầu có sự phối hợp chưa chặt chẽ giữa người cung cấp thông tin và người truyền tải thông tin. Đó là kỹ năng cung cấp thông tin chưa tốt, cung cấp thông tin chưa kịp thời, chưa chủ động định hướng…trong lúc thế giới hiện nay là thế giới của sự bùng nổ thông tin thì việc tiếp nhận thông tin có từ rất nhiều nguồn khác nhau, có thông tin chính xác, có thông tin chưa chính xác, thậm chí có thông tin chưa mang lại được những tác động tích cực cho việc phòng chống dịch hoặc cho cộng đồng.
Theo tôi, các cơ quan quản lý là nơi cung cấp thông tin về tình hình dịch bệnh, các biện pháp phòng bệnh và các cơ quan truyền thông là đơn vị truyền tải những thông điệp của ngành y tế đối với người dân; vấn đề mấu chốt là chúng ta cần phải cung cấp những thông tin có lợi cho việc bảo vệ sức khỏe người dân và trong việc này các đơn vị truyền thông có vai trò quyết định nhằm vận động, thuyết phục người dân thay đổi hành vi trong phòng bệnh, cũng như xử lý trong khi bị bệnh. Để làm tốt công tác này, ngành y tế mong muốn tiếp tục nhận được sự ủng hộ và phối hợp chặt chẽ của các cơ quan truyền thông đại chúng trong công tác truyền thông phòng chống dịch bệnh cũng như việc phổ biến các chính sách, hoạt động của ngành y tế trong việc nâng cao sức khỏe nhân dân. Đồng thời, ngành y tế cũng tăng cường hơn nữa việc chủ động cung cấp thông tin để định hướng trong phòng chống dịch bệnh và phối hợp với các cơ quan báo chí chuyển tải những biện pháp phòng bệnh tới người dân.
Theo ông, năm 2015, VN sẽ phải đối mặt với những thách thức gì về dịch bệnh? Ngành y tế đã chuẩn bị đối phó thế nào?
Theo tôi, dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp, khó lường; các bệnh dịch mới phát sinh, bệnh nguy hiểm cũng có thể xảy ra. Dịch bệnh Ebola ở châu Phi chưa khống chế được; dịch cúm trên gia cầm và trên người đang bùng phát ở nhiều nơi. Tổ chức Y tế thế giới cũng đang cảnh báo sự quay trở lại của một số bệnh dịch cũ đã lưu hành như lao, sốt rét, HIV, nguyên nhân có thể do kháng thuốc, sự giao lưu, đi lại rộng mở giữa các quốc gia, sự biến đổi khí hậu, …. Thêm vào đó, do vấn đề đô thị hóa, gia tăng dân số, vệ sinh, ô nhiễm môi trường, an toàn thực phẩm… còn nhiều bất cập, bên cạnh đó vẫn còn nhiều tập quán lạc hậu nên một số dịch bệnh lưu hành trong nước cũng có thể gia tăng và bùng phát như bệnh cúm gia cầm, tay chân miệng, sốt xuất huyết, viêm não vi rút, dại…, đặc biệt là những khu vực có sự biến động dân cư lớn, vùng sâu, vùng xa nơi đồng bào dân tộc thiểu số.
Như vậy, trong năm 2015 có thể chúng ta vẫn phải đối mặt với nguy cơ xảy ra dịch bệnh, vì vậy việc ứng xử với tình trạng này như thế nào mới là quan trọng. Để chuẩn bị tốt công tác phòng chống dịch trong năm 2015, Bộ Y tế đã chủ động xây dựng các kế hoạch phòng chống dịch bệnh theo từng tình huống dịch bệnh, trong đó đẩy mạnh các hoạt động giám sát, phát hiện sớm và xử lý ngay khi phát hiện ca bệnh đầu tiên, đồng thời phối hợp chặt chẽ với các cơ quan truyền thông đại chúng tuyên truyền, thông tin kịp thời tới người dân về tình hình dịch bệnh và các khuyến cáo, biện pháp phòng bệnh; tập trung triển khai quyết liệt các biện pháp phòng chống dịch chủ động, sẵn sàng thuốc, vật tư, hóa chất, phương tiện, ứng dụng khoa học tiên tiến trong phòng chống dịch bệnh. Đồng thời đẩy mạnh việc thanh tra, kiểm tra việc triển khai, thực hiện các hướng dẫn chuyên môn tại các đơn vị, địa phương. Chúng ta cần phải ứng phó kịp thời, khoa học và hiệu quả trên tinh thần trách nhiệm, quyết tâm và quyết liệt. Chúng ta phải liên tục đặt trong trạng thái sẵn sàng, chủ động phòng chống dịch. Một yếu tố quan trọng thành công trong công tác phòng chống dịch, bệnh phụ thuộc ý thức, trách nhiệm của người dân, hãy coi phòng chống dịch bệnh là một phần trách nhiệm của mìnhNhân đây, tôi cũng mong tiếp tục nhận được sự quan tâm chỉ đạo của các cấp, các ngành và sự tham gia của cả cộng đồng đối với công tác phòng chống dịch bệnh trong thời gian tới nhằm công tác phòng chống dịch được triển khai một cách có hiệu quả nhằm bảo vệ sức khỏe cho người dân, góp phần đảm bảo an sinh xã hội, phát triển kinh tế của đất nước.
Ban Biên tập trang thông tin điện tử Cục Y tế dự phòng
Admin