Tin tức

Tin tức

​Tăng cường công tác an toàn tiêm chủng

17/05/2023 In bài viết

Vaccin là một công cụ rất hiệu quả trong dự phòng một số bệnh truyền nhiễm, đặc biệt là do trẻ em chưa có hệ miễn dịch đầy đủ. Trung tâm Dự phòng và Kiểm soát bệnh tật Hoa Kỳ (CDC) đã xếp tiêm chủng mở rộng đứng thứ 4 trong 10 thành tựu lớn nhất về y tế công của thế kỷ 20. Chương  trình  tiêm  chủng  mở  rộng  (TCMR) được coi là chìa khóa giảm tỷ lệ mắc và chết ở trẻ em đối với một số bệnh truyền nhiễm trẻ em. Tiêm chủng đã cứu sống hàng trăm triệu trẻ em trong các thập kỷ qua từ năm 1974, trên toàn thế giới hiện nay vẫn còn khoảng 27 triệu trẻ em không được tiêm chủng định kỳ và do vậy hàng năm vẫn còn hơn 2 triệu trường hợp chết do các bệnh  tật  có  thể  phòng  ngừa  được  nhờ  vào vacccin. Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ước tính trung bình có khoảng 2,5 triệu trẻ em được cứu sống. Ở Việt Nam, sau khoảng 30 năm triển khai chương trình TCMR có khoảng 67 triệu trẻ em được bảo vệ.

Tiêm chủng mở rộng là chương trình mục tiêu quốc gia, với mục tiêu là giảm các tỷ lệ mắc bệnh và tỷ lệ tử vong do các bệnh truyền nhiễm. Để đạt được mục tiêu này, điều đầu tiên là quá trình tiêm chủng từ bảo quản, vận chuyển vắc xin đến quy trình tiêm và giám sát phản ứng sau tiêm phải đảm bảo an toàn. Thực hiện các quy định về bảo đảm an toàn tiêm chủng, theo dõi xử trí các trường hợp phản ứng sau tiêm chủng, thời gian vừa qua, công tác an toàn tiêm chủng đã được các đơn vị tích cực triển khai thực hiện. Theo kết quả giám sát an toàn tiêm chủng từ đầu năm đến nay, hầu hết các trường hợp tai biến nặng sau tiêm chủng đã được phát hiện sớm và xử trí kịp thời, đúng quy định.

Để tăng cường công tác an toàn tiêm chủng, ngày 16/05/2023, Cục Y tế dự phòng ban hành Công văn số 530/DP-TC gửi Đồng chí Giám đốc Sở Y tế tỉnh, thành phố đề nghị quan tâm chỉ đạo các đơn vị liên quan thực hiện một số nội dung sau:

1. Yêu cầu các cơ sở tiêm chủng trên địa bàn thực hiện nghiêm túc việc khám sàng lọc, tư vấn trước tiêm chủng; thực hiện tiêm chủng đúng quy định (tiêm đúng đối tượng, đúng vắc xin, đúng liều, đúng đường dùng, đúng thời điểm). Thực hiện theo dõi sau tiêm chủng và hướng dẫn đầy đủ cho các bà mẹ cách theo dõi, chăm sóc trẻ tại nhà ít nhất 24 giờ sau khi tiêm chủng, thông báo kịp thời cho cán bộ y tế trong trường hợp trẻ có biểu hiện bất thường để có biện pháp can thiệp ngay.

2. Chỉ đạo các đơn vị tuân thủ nghiêm ngặt các quy định về bảo đảm an toàn tiêm chủng tại Thông tư số 34/2018/TT-BYT ngày 16/11/2018 của Bộ Y tế quy định chi tiết một số điều của Nghị định số 104/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 của Chính phủ quy định về hoạt động tiêm chủng và các hướng dẫn liên quan.

3. Rà soát, tổ chức tập huấn và tập huấn lại cho các cán bộ tiêm chủng về khám sàng lọc, tiêm chủng, xử trí cấp cứu theo hướng dẫn tại Thông tư số 51/2017/TT-BYT ngày 29/12/2017 của Bộ Y tế về hướng dẫn phòng, chẩn đoán và xử trí phản vệ.

4. Thực hiện điều tra, đánh giá, họp Hội đồng tư vấn chuyên môn đánh giá nguyên nhân tai biến sau tiêm chủng (nếu có) và các sự cố trong quá trình sử dụng vắc xin, thông báo, báo cáo kết quả theo quy định tại Điều 6 Nghị định số 104/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 của Chính phủ.

5. Thường xuyên kiểm tra, giám sát để kịp thời phát hiện chấn chỉnh ngay những tồn tại, khó khăn của đơn vị, địa phương để đảm bảo việc tiêm chủng an toàn và hiệu quả.

Ban biên tập trang thông tin điện tử Cục Y tế dự phòng

Thong ke