TÌNH HÌNH PHẢN ỨNG SAU TIÊM CHỦNG TỪ 01/01/2023 ĐẾN 30/6/2023
04/10/2023 In bài viết
Từ 01/01/2023 đến 30/6/2023, cả nước ghi nhận 14.841 phản ứng thông thường sau tiêm chủng vắc xin trong tiêm chủng mở rộng/tiêm chủng dịch vụ; 3.758 trường hợp có phản ứng thông thường sau tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 và 10 trường hợp tai biến nặng sau tiêm chủng.
Về phản ứng thông thường sau tiêm chủng: ghi nhận các trường hợp phản ứng tại chỗ (sưng, nóng, đỏ đau tại vị trí tiêm), sốt <39oC và các triệu chứng khác. Đối với vắc xin phòng COVID-19 ghi nhận các triệu chứng như sốt, sưng đau tại chỗ tiêm, mệt mỏi, nôn/buồn nôn, đau bụng/tiêu chảy…
Về tai biến nặng sau tiêm chủng: ghi nhận 06 trường hợp trong tiêm chủng mở rộng; 03 trường hợp ngoài tiêm chủng mở rộng và 01 trường hợp sau tiêm vắc xin phòng COVID-19.
- Trong tiêm chủng mở rộng, ghi nhận:
+ 01 trường hợp hồi phục sau tiêm vắc xin 5 trong 1 do SII sản xuất tại TP. Hà Nội, kết luận của Hội đồng tư vấn chuyên môn đánh giá nguyên nhân tai biến nặng trong quá trình sử dụng vắc xin cấp tỉnh (Hội đồng tỉnh) là Phản vệ độ III sau tiêm vắc xin phòng bệnh Bạch hầu-ho gà-uốn ván-viêm gan B-Hib (SII) lần đầu tiên, có sai sót về thực hành tiêm vắc xin SII sớm so với quy định;
+ 02 trường hợp hồi phục sau tiêm vắc xin Td, trong đó ghi nhận 01 trường hợp tại TP. Hồ Chí Minh, kết luận của Hội đồng tỉnh là Co giật sau tiêm vắc xin Td, liên quan tới đặc tính cố hữu của vắc xin; 01 trường hợp tại Bà Rịa – Vũng Tàu, kết luận Hội đồng tỉnh là Phản vệ độ III;
+ 01 trường hợp tử vong sau tiêm vắc xin BCG tại tỉnh Nam Định, kết luận của Hội đồng tỉnh là Suy đa tạng/thủng ruột do viêm ruột hoại tử, nhiễm khuẩn huyết do E.Coli/viêm phổi do tụ cầu;
+ 01 trường hợp tử vong sau tiêm vắc xin 5 trong 1 do SII sản xuất và uống vắc xin BOPV tại tỉnh Bến Tre, kết luận của Hội đồng tỉnh là Suy hô hấp do viêm phổi hít, quy trình bảo quản, vận chuyển, sử dụng vắc xin đúng quy định, truy trình tiêm chủng thực hiện đúng theo quy định của Bộ Y tế, công tác tiếp nhận xử trí cấp cứu của bệnh viện theo đúng quy trình;
+ 01 trường hợp hồi phục sau tiêm vắc xin Viêm não Nhật Bản tại tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, kết luận của Hội đồng tỉnh là Nghĩ nhiều tới phản vệ độ III sau tiêm vắc xin viêm não Nhật Bản, sốt cao, quy trình bảo quản, sử dụng vắc xin và thực hành tiêm chủng theo quy định của Bộ Y tế.
- Trong tiêm chủng ngoài tiêm chủng mở rộng ghi nhận 03 trường hợp tai biến nặng:
+ 02 trường hợp tai biến nặng trong tiêm chủng dịch vụ, trong đó 01 trường hợp hồi phục sau tiêm chủng vắc xin Vaxigrip Tetra tại TP. Hồ Chí Minh, kết luận của Hội đồng tỉnh là Phản vệ độ III sau tiêm vắc xin Vaxigrip Tetra; 01 trường hợp hồi phục sau tiêm chủng vắc xin Hexaxim, Synflorix và Rotarix tại TP. Hà Nội, kết luận của Hội đồng tỉnh là Ngừng tuần hoàn chưa rõ nguyên nhân loại trừ phản vệ trên bệnh nhân sau tiêm vắc xin phòng bệnh Bạch hầu – Ho gà – Uốn ván – Bại liệt – Viêm gan B – Hib (Hexaxim), tiêm vắc xin phòng bệnh phế cầu (Synflorix) và uống vắc xin phòng bệnh do Rotavirus (Rotarix); chưa thấy bằng chứng mối liên quan giữa tình trạng của trẻ khi đến cấp cứu với việc tiêm vắc xin trước đó.
+ 01 trường hợp hồi phục sau tiêm chủng vắc xin Ivacflu-s tại An Giang, kết luận của Hội đồng tỉnh là Sốc phản vệ.
- Tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19: ghi nhận 01 trường hợp hồi phục tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, kết luận của Hội đồng tỉnh là Phản vệ độ III.
Ban biên tập trang thông tin điện tử Cục Y tế dự phòng