​Tăng cường phòng chống các bệnh không lây nhiễm

01/02/2015 In bài viết

_
 

Ngày 28/01/2015, tại Hà Nội, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế đã tổ chức hội thảo “Tăng cường phối hợp truyền thông về công tác y tế dự phòng”. Tại hội thảo, PGS.TS. Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng cho biết, gánh nặng của các bệnh không lây nhiễm đang chiếm tới trên 2/3 tổng gánh nặng bệnh tật và tử vong toàn quốc. Số người mắc bệnh không lây nhiễm trong cộng đồng hiện nay rất lớn và ngày càng gia tăng. Ước tính, Việt Nam hiện có khoảng 12,5 triệu người mắc bệnh tăng huyết áp; 2,5 triệu người bị bệnh đái tháo đường; hơn 2 triệu người mắc bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính và hen phế quản; mỗi năm có khoảng 125.000 người mắc mới ung thư.
 
 
Nếu không được phát hiện sớm và điều trị, theo dõi lâu dài, các bệnh không lây nhiễm sẽ gây tàn phế nặng nề và ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống của người bệnh. Ví dụ như bệnh tăng huyết áp là nguyên nhân hàng đầu gây tai biến mạch máu não, nhồi máu cơ tim và các bệnh tim mạch khác làm cho hàng trăm ngàn người bị liệt, tàn phế và mất sức lao động mỗi năm. Đái tháo đường nằm trong 10 nguyên nhân gây tàn phế hàng đầu ở cả nam và nữ giới, gây các biến chứng về tim mạch, tổn thương thần kinh, suy thận, nhiễm trùng, gây tổn thương bàn chân và có thể dẫn đến phải cắt cụt chi... Ước tính, năm 2012, cả nước có 520.000 ca tử vong các loại, trong đó hơn 379.000 số ca tử vong là do các bệnh không lây nhiễm; tức là cứ 10 người tử vong thì có 7 người do các bệnh không lây nhiễm (chủ yếu là các bệnh: Tim mạch, ung thư, đái tháo đường và bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính...). Các yếu tố nguy cơ gây bệnh không lây nhiễm ở mức cao và đang gia tăng ở Việt Nam là: tỷ lệ hút thuốc lá cao, lạm dụng rươu bia, dinh dưỡng không hợp lý và ít hoạt động thể lực.

 

BS. Nguyễn Văn Hiển, Trưởng Phòng Truyền thông - Chỉ đạo tuyến, Cục Y tế dự phòng phát biểu
BS. Nguyễn Văn Hiển, Trưởng Phòng Truyền thông - Chỉ đạo tuyến, Cục Y tế dự phòng phát biểu

 

Đại diện Cục Y tế dự phòng cũng cho biết, các bệnh không lây nhiễm gây ra những tác động trầm trọng và rộng lớn về kinh tế, xã hội thông qua việc làm tăng chi phí y tế, giảm năng suất lao động và giảm sản phẩm xã hội. Tại Việt Nam chưa có các đánh giá tổng thể hoặc ước tính gánh nặng kinh tế gây ra bởi các bệnh không lây nhiễm. Tuy nhiên, các nghiên cứu ở các góc độ khác nhau đã phần nào phản ánh được mức độ tổn thất về kinh tế, xã hội do bệnh không lây nhiễm gây ra. Chi phí điều trị cho bệnh nhân mắc bệnh không lây nhiễm cao trung bình gấp 40 – 50 lần so với điều trị các bệnh lây nhiễm do đòi hỏi kỹ thuật cao, thuốc đặc trị đắt tiền, thời gian điều trị lâu, dễ biến chứng. Để hoạt động phòng chống bệnh không lây nhiễm hiệu quả và toàn diện, việc xây dựng và ban hành Chiến lược quốc gia phòng chống bệnh không lây nhiễm là cần thiết. Chiến lược này sẽ định hướng để tăng cường hiệu quả hoạt động phòng chống bệnh không lây nhiễm theo hướng toàn diện, lồng ghép, dựa vào cộng đồng và huy động sự tham gia chủ động của các bộ, ban ngành, đoàn thể. Đồng thời, ngành y tế tập trung tổ chức hệ thống dự phòng, phát hiện sớm, chẩn đoán, điều trị, quản lý các bệnh không lây nhiễm từ trung ương đến địa phương; củng cố hệ thống cơ sở khám bệnh, chữa bệnh để cung cấp các dịch vụ toàn diện, chuyên sâu và kỹ thuật cao cho chẩn đoán, điều trị bệnh nhân mắc bệnh không lây nhiễm...


ThS. Trần Quốc Bảo, Trưởng Phòng Kiểm soát bệnh không lây nhiễm và Sức khỏe trường học, Cục Y tế dự phòng phát biểu
 

 

 Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế

Admin

Thong ke