​Hỏi đáp về bệnh Bại liệt và vắc xin phòng bệnh Bại liệt

14/03/2017 In bài viết

Thực hiện Kế hoạch bảo vệ thành quả thanh toán bệnh bại liệt giai đoạn 2016-2020 được Bộ Y tế phê duyệt tại quyết định số 1358/QĐ-BYT ngày 14 tháng 4 năm 2016, Dự án Tiêm chủng mở rộng thực hiện chuyển đổi sử dụng vắc xin bại liệt uống 2 týp (bOPV) thay thế cho vắc xin bại liệt uống 3 týp (tOPV) trên cả nước từ tháng 5 năm 2016 cùng với hơn 150 quốc gia để hướng tới mục tiêu thanh toán bệnh bại liệt trên toàn cầu.

Thực hiện Kế hoạch bảo vệ thành quả thanh toán bệnh bại liệt giai đoạn 2016-2020 được Bộ Y tế phê duyệt tại quyết định số 1358/QĐ-BYT ngày 14 tháng 4 năm 2016, Dự án Tiêm chủng mở rộng thực hiện chuyển đổi sử dụng vắc xin bại liệt uống 2 týp (bOPV) thay thế cho vắc xin bại liệt uống 3 týp (tOPV) trên cả nước từ tháng 5 năm 2016 cùng với hơn 150 quốc gia để hướng tới mục tiêu thanh toán bệnh bại liệt trên toàn cầu.

Dưới đây là một số câu hỏi đáp về bệnh bại liệt, vắc xin tOPV, bOPV  giúp bạn đọc hiểu rõ hơn về việc chuyển đổi sử dụng vắc xin bại liệt tại Việt Nam.

Câu 1. Bệnh bại liệt là bệnh gì?

Bại liệt là bệnh truyền nhiễm cấp tính do vi rút Polio (bại liệt) gây ra. Vi rút bại liệt gồm 3 týp 1, 2 và 3. Sau khi vào cơ thể vi rút sẽ xâm nhập vào hệ thống thần kinh trung ương gây nên tổn thương ở các tế bào thần kinh vận động. Bệnh có thể gây tử vong hoặc để lại di chứng liệt không hồi phục và tàn tật suốt đời. Vi rút bại liệt có thể lây truyền, gây thành dịch lớn nếu miễn dịch cộng đồng thấp (tỷ lệ uống vắc xin phòng bệnh thấp).

Câu 2. Bệnh bại liệt lây truyền như thế nào?

Bệnh bại liệt lây truyền từ người sang người qua đường tiêu hóa. Vi rút bại liệt từ người bệnh hoặc người lành mang trùng gây lây nhiễm vào nguồn nước, thực phẩm rồi vào đường tiêu hóa. Những trường hợp không có miễn dịch, vi rút có thể xâm nhập từ đường ruột vào cơ thể, nhân lên và gây bệnh. Những người này tiếp tục gây bệnh cho những người xung quanh.

Bệnh rất dễ lây. Hầu hết trẻ em sống cùng nhà hoặc tiếp xúc với người mang mầm bệnh có thể bị nhiễm vi rút. Người bệnh có khả năng đào thải vi rút từ 10 ngày trước đến 14 ngày sau khi phát bệnh. Những người lành mang vi rút cũng có thể trở thành nguồn truyền bệnh.

Câu 3. Làm thế nào để phòng bệnh bại liệt?

Tạo miễn dịch chủ động thông qua tiêm hoặc uống vắc xin phòng bệnh bại liệt là biện pháp phòng bệnh hiệu quả nhất.

Câu 4. Bệnh bại liệt tại Việt Nam có phải bệnh phổ biến không?

Tại Việt Nam, trước khi có vắc xin phòng bệnh, bệnh bại liệt là một trong những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu và để lại di chứng nặng nề ở trẻ dưới 5 tuổi, bệnh bại liệt đã từng gây ra các vụ dịch qui mô lớn với nhiều trường hợp mắc và tử vong.

Nhờ triển khai uống vắc xin phòng bệnh bại liệt và nhiều năm duy trì tỷ lệ uống vắc xin ở mức cao trên 90%, bệnh bại liệt đã dần được khống chế, ca bệnh cuối cùng được ghi nhận tại Việt Nam là từ năm 1997. Việt Nam đã chính thức được Tổ chức Y tế thế giới công nhận thanh toán bệnh bại liệt vào năm 2000. Trong 15 năm qua, bên cạnh việc triển khai cho trẻ uống 3 liều vắc xin bại liệt tOPV trong tiêm chủng thường xuyên cho trẻ 2, 3 và 4 tháng, các chiến dịch uống vắc xin bại liệt bổ sung đã được triển khai tại các vùng nguy cơ cao. Nhờ vậy, Việt Nam vẫn đang duy trì thành quả này trong khi vi rút bại liệt tiếp tục lưu hành trên thế giới.

Câu 5. Tại sao vẫn phải uống vắc xin phòng bệnh bại liệt khi chúng ta đã thanh toán được bệnh Bại liệt ?

Tại Việt Nam, bệnh bại liệt đã được thanh toán từ năm 2000. Tuy nhiên trong bối cảnh vi rút bại liệt hoang dại vẫn còn lưu hành tại một số quốc gia trên thế giới cùng với việc mở rộng giao lưu quốc tế cho thấy nguy cơ lây truyền bệnh bại liệt vẫn còn hiện hữu. Việc duy trì miễn dịch bảo vệ phòng bệnh bại liệt là rất cần thiết cho đến khi bệnh bại liệt được thanh toán hoàn toàn trên quy mô toàn cầu.

Câu 6. Có những loại vắc xin phòng bại liệt nào?

Có 2 loại vắc xin phòng bại liệt:

 – Vắc xin sống giảm độc lực dạng uống (OPV): chứa vi rút bại liệt sống đã làm suy yếu, có tác dụng kích thích cơ thể tạo miễn dịch. Miễn dịch này giúp cho cơ thể phòng vệ không cho vi rút xâm nhập vào cơ thể.
 – Vắc xin bất hoạt dạng tiêm (IPV): chứa vi rút bại liệt chết (sau khi xử lý) có tác dụng kích thích cơ thể tạo miễn dịch phòng bệnh. Vắc xin này có thể ở dạng phối hợp với một số vắc xin khác.

Câu 7. Vắc xin tOPV, bOPV và vắc xin IPV là những vắc xin gì? Các vắc xin này đã được dùng ở đâu?

Hiện nay có một số loại vắc xin phòng bại liệt bao gồm:Vắc xin OPV chứa 3 tuýp kháng nguyên bại liệt (tOPV) 1,2,3 đã được triển khai cho trẻ 2,3 và 4 tháng tuổi trên thế giới hơn 50 năm qua.
 – Vắc xin được khẳng định là an toàn và có hiệu quả cao trong phòng bệnh bại liệt.
 – Vắc xin OPV chứa 2 týp kháng nguyên bại liệt (bOPV) 1 và 3, đã được triển khai trong Chương trình TCMR thay thế cho vắc xin tOPV tại hơn 150 nước.

 – Vắc xin IPV chứa 3 týp kháng nguyên bại liệt 1,2,3. Hiện nay vắc xin này đã được đưa vào chương trình TCMR tại nhiều nước. Tại Việt Nam vắc xin này dự kiến sẽ được triển khai trong chương trình Tiêm chủng mở rộng từ năm 2018.

Câu 8. Tại sao các nước phải chuyển từ vắc xin tOPV sang sử dụng vắc xin bOPV? Vậy vắc xin tOPV có an toàn không?

Vắc xin OPV là dạng vắc xin sống, chứa các thành phần vi rút bại liệt được làm suy yếu nên có tỷ lệ rất nhỏ nguy cơ vi rút biến đổi và có khả năng gây bệnh ở cộng đồng. Hiện tượng này chỉ xảy ra ở những vùng có tỷ lệ tiêm chủng thấp. Mặc dù tỷ lệ này là rất hiếm nhưng trên thế giới cũng đã ghi nhận những trường hợp mắc bệnh bại liệt do vi rút có nguồn gốc vắc xin và thường gặp nhất là vi rút týp 2.

Từ tháng 9/2015, Tổ chức Y tế thế giới đã công bố thanh toán bệnh bại liệt týp 2 hoang dại trên toàn cầu. Hướng tới một thế giới không còn bệnh bại liệt, Tổ chức Y tế thế giới đặt mục tiêu thanh toán bệnh bại liệt trên toàn cầu. Để thực hiện mục tiêu quan trọng này, WHO yêu cầu các quốc gia cần thay thế vắc xin bại liệt 3 týp (tOPV) bằng sử dụng vắc xin bại liệt uống 2 týp (bOPV). 

Câu 9. Trẻ đang uống vắc xin tOPV chuyển sang uống bOPV có ảnh hưởng gì không?

Cả hai loại vắc xin OPV đều an toàn và hiệu quả. Vắc xin bOPV tương tự như vắc xin tOPV về dạng vắc xin, phương pháp bảo quản, chỉ khác nhau về thành phần kháng nguyên phòng bệnh bại liệt. Lịch tiêm chủng vắc xin bOPV trong TCMR tương tự vắc xin tOPV, cụ thể:
 – Liều 1: khi trẻ 2 tháng tuổi
– Liều 2: khi trẻ 3 tháng tuổi

 – Liều 3: khi trẻ 4 tháng tuổi
Do vậy, nếu trẻ đang uống vắc xin tOPV có thể chuyển sang tiếp tục uống bOPV mà không phải uống lại từ đầu.

Câu 10. Kế hoạch chuyển đối từ vắc xin tOPV sang bOPV tại Việt Nam như thế nào?

Từ tháng 5 năm 2016, vắc xin tOPV sẽ ngừng sử dụng trên toàn quốc. Từ tháng 6 năm 2016, Chương trình Tiêm chủng mở rộng sẽ chuyển sang sử dụng vắc xin OPV 2 týp (bOPV) thay thế cho vắc xin bại liệt uống 3 týp (tOPV) trước đây. 

Câu 11. Đã có bao nhiêu nước thực hiện chuyển đổi vắc xin này?

Theo yêu cầu của Tổ chức Y tế thế giới, tất cả các nước sử dụng vắc xin tOPV sẽ thực hiện chuyển đổi sang vắc xin bOPV từ tháng 5/2016. Đến nay tất cả các nước đã thực hiện hoạt động này, trong đó có Việt Nam.  

Dự án TCMR


Ban biên tập Trang thông tin điện tử - Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế


 

Admin

Tin tức liên quan

Hỏi đáp về bệnh và vắc xin tiêm phòng bệnh Viêm Gan B

Viêm gan B là một bệnh gây viêm và hoại tử tế bào gan cấp tính hay mạn tính do vi rút viêm gan B. Trên thế giới ước tính có khoảng hơn 2 tỷ người (30% dân số) bị nhiễm vi rút viêm gan B và hơn 400 triệu người bị bệnh gan mạn tính. Hàng năm, ít nhất có khoảng 1 triệu người trên thế giới tử vong do xơ gan và ung thư gan.

Xem chi tiết Next

Uống vắc xin bại liệt là cách tốt nhất để phòng bệnh bại liệt

Bệnh Bại liệt là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do vi rút polio gây ra. Bệnh lây truyền qua đường tiêu hóa và rất dễ lây. Đa số trường hợp trẻ nhiễm vi rút polio không có biểu hiện lâm sàng nhưng một số trường hợp bị liệt cơ hô hấp, dẫn đến suy hô hấp và có thể tử vong. Bệnh có thể qua khỏi nhưng để lại di chứng liệt suốt đời. Cách tốt nhất để phòng bệnh bại liệt là cho trẻ uống vắc xin phòng bệnh.

Xem chi tiết Next

Kết quả hoạt động Chương trình FETP dài hạn giai đoạn 2011-2015

Chương trình học lý thuyết được thiết kế theo hình thức mô-đun như khung chương trình đã được xây dựng, với 8-9 mô đun về lý thuyết sẽ được tổ chức cho một khóa học trong 2 năm xen kẽ với các đợt thực địa. Các mô đun quan trọng và cần thiết bao gồm: giới thiệu khóa học, điều tra vụ dịch, giám sát y tế công cộng, thống kê sinh học, thiết kế nghiên cứu dịch tễ, đáp ứng tình huống khẩn cấp, viết báo cáo khoa học và trình bày báo cáo và quản lý, ngoài ra còn có các mô đun mở rộng và tham gia các khóa học ở nước ngoài về điều tra dịch chung, thiết kế nghiên cứu lâm sàng, đánh giá nguy cơ... Trong các mô đun lý thuyết ngoài các học viên FETP dài hạn còn có sự tham gia của các học viên từ các đơn vị trong và ngoài hệ thống y tế, các ngành liên quan khác để có tăng cường giao lưu, chia sẻ thông tin, kinh nghiệm và tạo nguồn cho các khóa tiếp theo. Tham gia giảng dạy và hướng dẫn là các chuyên gia quốc tế và trong nước có chuyên môn sâu và nhiều kinh nghiệm trong các lĩnh vực trên.

Xem chi tiết Next

Những điều bà mẹ cần biết khi đưa con đi tiêm chủng để đảm bảo an toàn tiêm chủng

Tiêm chủng là cách tốt nhất để phòng ngừa các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho trẻ em. Trẻ cần được tiêm chủng đầy đủ và đúng lịch để phòng tránh những bệnh tật nguy hiểm như Bạch hầu, Ho gà, Uốn ván, Viêm gan B, Bại Liệt, Sởi và Viêm phổi/Viêm màng não mủ do Hib.

Xem chi tiết Next
Thong ke